Từ năm 2009, tỉnh Yên Bái đã có Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh. Trong 6 năm, từ 2011 đến 2016, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao.
Tỉnh đã thu hút, tuyển dụng được 68 bác sĩ, 27 dược sĩ đại học, 5 cử nhân điều dưỡng đại học chính quy về công tác. Đây được coi là một bước “đột phá” đối với nguồn nhân lực y tế của tỉnh miền núi khó khăn Yên Bái khi mà trong suốt gần 20 năm trước khi có đề án, tỉnh không tiếp nhận được một dược sĩ trình độ đại học nào về công tác.
Đến nay, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Trước đây, do thiếu bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện miền núi Mù Cang Chải (ảnh) vừa làm quản lý, vừa kiêm nhiệm siêu âm chẩn đoán hình ảnh, khám và điều trị cho 50-60 bệnh nhân/ngày. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Đến nay, Yên Bái đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học. Tỉnh cũng đã đạt tỷ lệ 8,35 bác sĩ/1 vạn dân; 1,12 dược sĩ đại học/1 vạn dân. Tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm 37,4%, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ một lần đối với các cán bộ, công chức, viên chức về công tác lâu dài tại tỉnh.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 140 triệu đồng/người; mức hỗ trợ đối với thạc sĩ, bác sĩ nội trú là 50 triệu đồng/người; mức hỗ trợ đối với bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại khá trở lên, dược sĩ đại học tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 30 triệu đồng/người.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn có một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các bác sĩ công tác tại các huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Tỉnh Yên Bái còn có chính sách hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Theo đó, hỗ trợ 100 triệu đồng/người đối với đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; hỗ trợ 50 triệu đồng/người đối với đào tạo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; hỗ trợ chi phí đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo đại học từ 1 tháng trở lên.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, ngành y tế Yên Bái thời gian qua đã có những thay đổi vượt bậc, mạng lưới y tế phát triển về mọi mặt, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, ngành y tế Yên Bái cũng sẽ chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ bệnh nhân; tích cực đấu tranh phòng chống các hành vi gây phiền hà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh; thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những thiếu sót, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được tỉnh Yên Bái quan tâm, đầu tư. Từ tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được tiếp nhận cơ sở mới khang trang với quy mô 500 giường bệnh.
Nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, hệ thống máy phẫu thuật nội soi, siêu âm 4 chiều… được quan tâm đầu tư. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái quy mô 500 giường bệnh đi vào hoạt động với cơ sở vật chất hiện đại đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh và khu vực Tây Bắc, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo, phải điều trị dài ngày.
Đặc biệt, nhiều dịch vụ mới được triển khai tại bệnh viện đã mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo như: đột quỵ não, phồng tách động mạch chủ bụng, gãy phức tạp sập toàn bộ tầng sọ mặt…
Với việc chú trọng đầu tư, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã được chọn trở thành Bệnh viện vệ tinh của 4 bệnh viện: Việt Đức, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nhờ đó, khi bệnh nhân đang điều trị và chữa bệnh tại bệnh viện sẽ được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải đi tuyến trung ương.
Bà Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, bên cạnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng sẽ được quan tâm, chú trọng. Hiện tại, bệnh viện có 30 khoa, phòng, tổng số hơn 400 cán bộ, viên chức, theo quy định, cũng mới chỉ đáp ứng 70%.
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, số bệnh nhân nội trú điều trị tại bệnh viện luôn đạt 110-120% công suất. Về lâu dài, bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển, dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng đạt quy mô 1.000 giường bệnh.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái hiện có quy mô 120 giường bệnh. Trong nhiều năm qua, bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp cơ bản về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế. Hiện, bệnh viện được đầu tư 2 khối nhà 4 tầng và 5 tầng, hoàn thiện trong năm 2014 và 2016 dành riêng cho bệnh nhân điều trị nội trú với thiết kế hiện đại, khép kín.
Với quy mô 120 giường kế hoạch, nhưng để đảm bảo người bệnh không phải nằm ghép nên bệnh viện đã kê 240 giường. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện luôn duy trì ở mức 240-250 người, công suất giường kế hoạch luôn vượt 200%.
Bà Đặng Thị Như Hoa, Giám đốc Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh viện đang có kế hoạch nâng quy mô lên 150 giường bệnh, có đầy đủ các khoa, phòng với trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển thêm các kỹ thuật mới, tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.