Thay đổi cho cuộc sống bình thường mới
Trên nhiều tuyến phố lớn tại Hà Nội, có thể thấy các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, shop thời trang… đều đã niêm yết mã QR địa điểm để khách hàng quét mã. Theo phản hồi của chủ một số cơ sở kinh doanh, việc tạo mã QR địa điểm khá dễ dàng theo hướng dẫn của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cửa hàng ngại nhắc khách quét QR hay nhiều khách hàng không muốn quét khi vào nơi công cộng.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, thông qua hệ thống, Trung tâm và Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, phân cấp đến cấp quận, huyện có thể biết được địa điểm nào làm tốt, chưa tốt việc thực hiện kiểm soát vào ra bằng mã QR Code.
Để sống chung cùng với dịch COVID-19, ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết: "Khi một ca F0 vừa xuất hiện, ổ dịch khi đó chỉ mới vài ca cho đến vài chục ca, như các đốm lửa nhỏ. Mấu chốt của vấn đề sống chung với dịch COVID-19 là cần lập tức phát hiện ra các ca F0 chỉ điểm để truy vết, gom triệt để các F1, F2, không để các 'đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn'. Do đó, nền tảng truy vết F0 và hỗ trợ xét nghiệm giúp lực lượng chức năng làm được điều đó nhanh nhất. Trong 6 nguyên tắc phòng chống dịch được Thủ tướng chỉ ra để xây dựng và hướng dẫn trong bối cảnh mới, thì nguyên tắc thứ 3 là: Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt. Như vậy, giải pháp 5K + vaccine + công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được cuộc sống bình thường mới".
Việc tạo mã QR Code địa điểm là để các chủ cửa hàng tự giác định danh trên hệ thống dữ liệu. “Thực tế khi áp dụng hình thức này, những cơ quan, doanh nghiệp lớn áp dụng yêu cầu quét QR Code và thực hiện nghiêm túc, bởi có bảo vệ nhắc nhở và được quy định thành nội quy, trong khi đó, với nhiều cửa hàng nhỏ, yếu tố này phụ thuộc lớn vào chủ cửa hàng, khách hàng”, ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.
Do áp dụng công nghệ thông tin, nên thời gian qua, khi phát hiện một vài ổ dịch tại Bệnh viện Việt Đức, phường La Khê, phường Kiến Hưng… Hà Nội đều đã lập tức khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng. Thành quả này có được một phần nhờ vào quá trình truy vết dữ liệu từ việc quét mã QR.
Ưu điểm của nền tảng hỗ trợ truy vết bằng công nghệ
Dù không dễ nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng những gì công nghệ làm được trong và sau đại dịch này đóng vai trò như một phần thiết yếu trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Trước đây, khi xuất hiện dịch COVID-19 trong cộng đồng với các ca nghi nhiễm, ca nhiễm F0, lực lượng y tế và chính quyền cơ sở tiến hành truy vết như trích xuất thông tin từ người nghi nhiễm đã tiếp xúc với ai, đi đâu, để sớm bóc tách các F0, F1... Việc truy vết nhằm xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch. Tuy nhiên, phương pháp truy vết truyền thống này có những khó khăn.
“Thống kê từ những lần hỏi truy vết, có đến hơn 11% trường hợp không nhớ chính xác đã gặp ai. Tuy nhiên, nếu người đó cài ứng dụng PC-COVID (trước là Bluezone), việc truy vết nhanh và chính xác”, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia chia sẻ.
Đơn cử như F0 có thể quên đã tới địa điểm nào đó thì lúc này, nền tảng quản lý thông tin người ra vào bằng công nghệ quét mã QR sẽ hỗ trợ hiển thị các địa điểm F0 đã tới. Lịch sử quét mã QR cũng sẽ lưu lại những người tới cùng lúc với F0 và giúp đội ngũ truy vết được những trường hợp F1, F2...
Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết: Về công nghệ, có hai giải pháp là ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và quét mã QR đều được tích hợp tại app PC-COVID. Do đó, ứng dụng sẽ phát huy hiệu quả, nếu người dùng thực hiện nghiêm túc việc quét mã QR Code và sẽ lưu vào máy. Khi có ca nhiễm F0, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ trích xuất dữ liệu tiếp xúc, dựa vào đó sẽ truy vết được những trường hợp F1, F2... Với việc truy vết hiệu quả bằng công nghệ tính bằng giây, thay vì mất hàng giờ, hàng ngày như truyền thống.
Thực tế đã chứng minh hiệu quả khi áp dụng công nghệ, như ứng dụng PC-COVID, việc triển khai quét mã QR tại nhiều thành phố, địa phương và nền tảng phản ánh. Điển hình như Hà Nội đã áp dụng hiệu quả công nghệ vào phòng chống dịch. Trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, với sự tư vấn của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và cung cấp dữ liệu từ hệ thống, Hà Nội đã giám sát, xét nghiệm gần 14.000 trường hợp ho, sốt, qua đó ghi nhận ít nhất 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 rải rác khắp các quận, huyện. Sau khi truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, đã có thêm gần 700 ca mắc tại cộng đồng được phát hiện, chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Hoặc mới đây, các ca nhiễm cộng đồng đến siêu thị Aeon Mall Hà Đông và chợ Đình (La Khê) dù có tính chất phức tạp, lượng người vào ra lớn, nhưng các địa điểm trên đều kiểm soát người vào ra bằng quét mã QR trên PC-COVID. Sau vài phút, cơ quan chức năng đã có ngay danh sách 379 người có liên quan đến các F0 kể trên. Hiện, tất cả đều đang được theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm định kỳ. Trước đó, Hà Nội cũng đã áp dụng công nghệ, phát hiện ra 5.500 người có liên quan đến chùm 21 ca dương tính tại Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ngay sau đó đã được dập tắt kịp thời mà không có sự lây nhiễm bùng phát nào diễn ra.
"Thấy rõ hiệu quả từ Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác cũng đang thực hiện và đạt hiệu quả tương tự. Mô hình này đang được triển khai nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là yếu tố nhanh, chính xác. Để công nghệ phát huy tác dụng thì cũng cần người dân cùng phối hợp bởi yếu tố kỹ thuật công nghệ chỉ đóng góp khoảng 20% và thành công 80% là ở công tác triển khai”, ông Đỗ Lập Hiển chia sẻ.
Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, đến nay, một số địa phương như Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh... cũng đang từng bước sử dụng PC-COVID làm ứng dụng chính, phục vụ phòng chống dịch.