Từ 21/8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy giảm phí chung cho các phương tiện

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã họp xử lý những bất cập tại trạm thu giá Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Từ 21/8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy giảm phí chung cho các phương tiện. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tại cuộc họp, trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ (phí BOT) và kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm.

Cụ thể, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) giá từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 25.000 đồng/lượt; Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống còn 35.000 đồng/lượt.

Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn từ 60.000 đồng/lượt giảm xuống còn 40.000 đồng/lượt; Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) từ 100.000 đồng/lượt giảm xuống còn 70.000 đồng/lượt; Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) từ 180.000 đồng/lượt giảm xuống còn 140.000 đồng/lượt; Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8/2017.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9/2017.

Về công tác tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện và xã có liên quan phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thống kê cụ thể các phương tiện trong khu vực được giảm giá dịch vụ theo nội dung trên trước ngày 25/8/2017; Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá dịch vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án xây dựng phương án thu giá dịch vụ để đảm bảo các phương tiện qua trạm thuận lợi, tránh ùn tắc, đồng thời làm việc với tổ chức tín dụng, nhà tài trợ vốn cho dự án để được gia hạn thời hạn vay.

Về chủ trương đầu tư dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tại Quyết định số 6/2011/QĐ-TTg ngày 21/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12 Km, quy mô 4 làn xe.


Do đó, từ năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh, tuy nhiên do nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn nên đến năm 2013 sau hơn 4 năm nghiên cứu dự án vẫn chưa được triển khai. Trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 3901/UBND-CN ngày 30/8/2013) về việc khu vực thị trấn Cai Lậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, người dân sống trong khu vực và kiến nghị đầu tư dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án tuyến tránh Cai Lậy có điểm đầu tại Km1987+560, Quốc lộ 1 (thị xã Cai Lậy); điểm cuối tại Km2014, Quốc lộ 1 (huyện Cái Bè). Tổng chiều dài dự án 38,5 Km; trong đó: cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ dài 26,4 Km (qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 Km), sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến. Tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 Km và xây dựng 7 cầu (quá trình triển khi thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương). Dự án có tổng mức đầu tư 1.398,2 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ đã lấy ý kiến và nhận được thống nhất về chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cùng vị trí đặt trạm Cai Lậy của UBND tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Tiền Giang; Đoàn đại biểu Quốc hội Tiền Giang và văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính.

Tiến Hiếu/Báo Tin Tức (TTXVN)
Xem xét phương án kéo dài thời gian thu để giảm phí tại trạm Cai Lậy
Xem xét phương án kéo dài thời gian thu để giảm phí tại trạm Cai Lậy

Liên quan đến phương án giải quyết những vướng mắc, bức xúc tại Trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang, đại diện Ban Quản lý Đầu tư các dự án Đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến Bộ sẽ nghiên cứu giảm giá chung đối với toàn bộ phương tiện và miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm, kèm theo là phương án kéo dài thời gian thu phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN