Ngay sau khi có báo cáo của Tổng cục, Bộ sẽ họp bàn ngay để giải quyết các bức xúc của chủ phương tiện.
“Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là xử lý giống như các trạm thu phí khác. Hiện các trạm đều vướng mắc chung là người dân sống xung quanh trạm thu phí phản đối, do đó phải cùng tìm giải pháp để giải quyết theo hướng nghiên cứu giảm phí cho những người dân và doanh nghiệp xung quanh trạm thu phí và giảm giá phí chung cho toàn bộ các phương tiện”, Thứ trưởng Đông cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông Vận tải đang giao các đơn vị rà soát tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, việc rà mức phí, mức giá tại các trạm thu phí đang được Bộ thực hiện trên tất cả các trạm căn cứ vào mức đầu tư của từng dự án.
Người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đang tiến hành rà soát, tổng hợp các đối tượng có thể xem xét giảm phí đường bộ tại Trạm thu phí Cai Lậy để làm việc với chính quyền địa phương xem xét giảm giá phí cho những đối tượng này.
Thứ trưởng khẳng định lại quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là sẽ xem xét với những hộ dân và doanh nghiệp trong khoảng bán kính từ 3-5 km quanh trạm thu phí, nếu để rộng bán kính ra hơn nữa thì sẽ không đảm bảo phương án tài chính cho dự án. Đây cũng sẽ là tiêu chí chung để xem xét giảm giá phí cho các trạm khác trên toàn quốc.
Đối với tổng thời gian thu phí của dự án truyến tránh Cái Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua Tiền Giang là hơn 6 năm, dẫn đến nhiều người cho rằng là quá ngắn làm đẩy mức thu phí qua trạm cao lên, do đó nhiều chuyên gia cho rằng có thể tăng thời gian thu phí để giảm phí cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được phương án tài chính cho dự án. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, thời gian thu phí căn cứ vào hợp đồng tín dụng mà ngân hàng tài trợ vốn cấp cho dự án. Mặt khác, việc rà soát giảm phí cho người dân và doanh nghiệp phải xem xem xét tới rất nhiều yếu tố; trong đó có thời gian thu phí, mức phí, mức giá.
“Thời gian thu phí của dự án không phải ý chí của một bên, Bộ Giao thông Vận tải cũng không thể một mình ấn định cho dự án thu phí là bao nhiêu năm, vì điều này còn phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng mà nhà đầu tư ký kết với ngân hàng tài trợ vốn. Chỉ khi nhà đầu tư tiến hành đàm phán với ngân hàng tài trợ vốn cho dự án và phía ngân hàng đồng thuận thì khi đó mới có thể xem xét để điều chỉnh kéo dài thời gian thu phí, qua đó giảm giá phí qua trạm”, Thứ trưởng Đông phân tích.
Bình luận về việc nhiều người cho rằng mức phí qua trạm thu phí Cai Lậy cao, Thứ trưởng Đông khẳng định, sự hình thành mức giá phí của Trạm thu phí này cũng tương tự như các trạm thu phí khác. Tức là cũng căn cứ vào tổng mức đầu tư của dự án, thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư...
Trạm thu phí Cai Lạy chính thức được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí từ 1/8/2017. Thời gian thu phí của dự án là 6 năm 5 tháng. Mức thu phí cho mỗi lượt phương tiện qua trạm thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất là 180.000 đồng.
Trạm thu phí Cai Lạy thực hiện thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1. Dự án được khởi công năm 2014, với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; trong đó đoạn xây dựng tuyến tránh được đầu tư 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa trên Quốc lộ 1 được đầu tư trên 300 tỷ đồng.