Tình hình COVID-19 ngày 20/12: Hà Nội dẫn đầu số ca nhiễm mới; 2 thành phố lớn thông báo không mua kit xét nghiệm Việt Á

Ngày 20/12, Việt Nam thêm 14.977 ca mắc mới COVID-19; trong đó, Hà Nội tiếp tục nhiều ca nhất. Cũng trong ngày, Sở Y tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẳng định không mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á (liên quan vụ nâng khống giá kit)…

Thêm 14.997 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 19/12 đến 16 giờ ngày 20/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Trong đó, Hậu Giang, Hà Nội, Hưng Yên ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó.

Chú thích ảnh

Trong số các ca nhiễm mới có 11 ca nhập cảnh và 14.966 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.127 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.000 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.555.455 ca nhiễm, còn tính trong dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là1.549.945 ca.

Trong ngày 20/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.937 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.109.899 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.615 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 19/12 đến 17 giờ 30 ngày 20/12 ghi nhận 225 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.791 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Sau 1 tuần học trực tiếp, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 34 trường hợp F0 trong trường học

Chiều 20/12, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 1 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, đã ghi nhận 34 trường hợp F0 tại các trường. Tất cả những trường hợp này đều đã được xử lý theo đúng quy trình.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, trong số 34 trường hợp F0 phát hiện tại trường học trong thời gian dạy học trực tiếp có 4 giáo viên, 3 nhân viên và 27 trường hợp là học sinh. Các cơ sở giáo dục đã vận hành quy trình xử lý F0 để xử lý theo hướng dẫn.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 9 và lớp 12 bắt đầu bước vào tuần thứ 2 thí điểm học trực tiếp tại trường.

Một số phụ huynh đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho học sinh trước khi đến trường học và đã phát hiện một số học sinh mắc COVID-19. "Gia đình nào có điều kiện thì việc tự xét nghiệm cho học sinh trước khi đến trường là điều rất tốt, bởi việc này sẽ hạn chế nguy cơ tiếp xúc của các em", ông Trịnh Duy Trọng chia sẻ.

Hà Nội chạm mốc mới 1.641 ca F0 trong ngày

Ngày 20/12, Hà Nội ghi nhận 1.641 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 26 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 406 ca, trong khu cách ly là 1.021 ca và khu phong tỏa 214 ca.

Số ca mắc mới ghi nhận tại 197 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 28.694 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 10.671 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 18.023 ca.

Trong những 6 ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục ở mức cao từ trên 1.300 đến trên 1.400 ca mắc. Trong đó, ngày 17/12, con số ca mắc mới ở mức cao nhất trong cả đợt dịch là 1.440 thì đến ngày 20/12, Hà Nội đã có mốc ca F0 cao nhất là 1.641 ca

Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 22688/SYT-NVY về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền. Cụ thể: Tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng bao gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV;… người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V. Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 3 tháng; đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine AstraZeneca).

Đối với những người đã mắc COVID-19, tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế theo đúng quy định.
 

Sở Y tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẳng định không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á

Liên quan đến bộ kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội không mua bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Cũng trong ngày 20/12, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết dù Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á có chào hàng bộ kit xét nghiệm COVID-19 nhưng HCDC đã từ chối vì giá cao.

Chú thích ảnh
Bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, trước đó, vào năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội.Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế, Bộ Công an, Sở Y tế Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội báo cáo về vấn đề mua bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á. Sau khi nhận được yêu cầu, Trung tâm đã nghiêm túc chấp hành, báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức năng. Riêng loại sinh phẩm của Công ty Việt Á, Trung tâm đã báo cáo là không sử dụng.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 20/12, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) khẳng định: Trong thời gian HCDC tổ chức đấu thầu mua vật tư, trang thiết bị y tế, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) có đến chào bán kit xét nghiệm nhưng HCDC đã từ chối.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, thời gian qua, HCDC không mua và sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng các bị can về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc điều trị COVID-19

Ngày 20/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc.

Quản lý Dược cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức táp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trong đó, Cục đề nghị các Sở Y tế chú trọng chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm, thanh tra Sở Y tế tăng cường hoạt động kiểm tra hậu mại, lấy mẫu, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, phân phối và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir,... sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.

Riêng với thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế cho biết từ giữa tháng 8 đến nay đã phân bổ 300.000 liều cho 46 địa phương để triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc này với F0 thể nhẹ tại cộng đồng. Nhiều địa phương (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) đưa Molnupiravir vào gói thuốc C, áp dụng với bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà từ 18 tuổi trở lên.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Cục Quản lý Dược cũng phát đi cảnh báo tình trạng các loại thuốc như kháng virus trong đó có Molnupiravir được quảng cáo điều trị COVID-19 trái phép trên mạng xã hội, rao bán với giá vài triệu đồng một hộp.

Cục Quản lý Dược đề nghị "Phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị COVID-19 nói chung và thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng vì ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh".

Molnupiravir là thuốc kháng virus hiện được Bộ Y tế cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc hiện trong quá trình thử nghiệm, chưa được bán trên thị trường.

PV/Báo Tin tức
Các nhà khoa học khuyến cáo không tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 quá sớm
Các nhà khoa học khuyến cáo không tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 quá sớm

Một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm mũi tăng cường quá sớm có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 trong dài hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN