Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện trước sự quan tâm của dư luận khi Sở này đang nghiên cứu thí điểm dừng hoạt động xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Hai tuyến đường được chọn thí điểm để dừng hoạt động xe máy trong đề án của Sở Giao thông Vận tải là đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi. Hai tuyến đường này đều là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân rất đông. Mặt khác, trên tuyến đường Lê Văn Lương đã có xe buýt nhanh BRT còn đường Nguyễn Trãi sắp có tàu điện trên cao đi vào hoạt động.
Chính vì vậy, việc giảm phương tiện cá nhân lưu thông trên 2 tuyến đường này là cần thiết để phát huy hiệu quả của buýt nhanh BRT và tuyến đường sắt trên cao, vừa tránh lãng phí vừa giảm ùn tắc giao thông. Nhưng vấn đề chọn thời điểm và công tác tổ chức thế nào để thuận lợi cho người dân đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông Vận tải cho rằng, việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố lớn, người dân đi qua tuyến đường đó chứ không phải đi hết đường đó rồi vào nhà. Do vậy, nếu cấm 2 tuyến đường đồng nghĩa việc cấm hàng trăm tuyến đường khác. Từ đó, tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra nhận định, trước hết cần áp dụng những giải pháp mềm, tuyên truyền để người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, nên chọn giải pháp hạn chế xe cá nhân ở một số tuyến, một số điểm quan trọng. Hai tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương dài mười mấy cây số mà hạn chế phương tiện xe máy thì khó có thể chấp nhận.
Thường xuyên đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi để về khu đô thị Linh Đàm, chị Nguyễn Mai bày tỏ lo lắng, một ngày chị phải qua lại tuyến đường này mấy lần vì đây là lộ trình ngắn nhất để đến cơ quan. Nếu cấm xe máy chắc tôi phải đi vòng đường khác xa hơn và e rằng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi. Anh Nguyễn Tuấn ở phường Thượng Đình thì e ngại, nếu cộng cả tiền gửi xe máy để chuyển lên tàu đường sắt, cả đi cả về ngày mấy lần chắc lương không đủ chi phí đi lại.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội, trong quá trình xây dựng đề án thí điểm cấm xe máy sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng. “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào trong nội thành, chúng tôi cũng căn cứ theo lộ trình đã định sẵn trong Nghị quyết của HĐND Thành phố. Theo đó, thành phố sẽ cấm xe máy theo tuyến, theo khu vực như phố đi bộ hiện nay. Tuy nhiên, thành phố sẽ nghiên cứu thấu đáo và kỹ lưỡng, để khi triển khai thì người dân thấy chấp nhận được"., ông Viện nói.
Ông Vũ Văn Viện cho biết, Nghị quyết HĐND Thành phố đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận. Thế nhưng, căn cứ vào điều kiện thực tế khu vực nào đủ điều kiện (vận tải hành khách công cộng) thì có thể cấm luôn chứ không đợi đến năm 2030 mới làm đồng loạt.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa đáp ứng nhu cầu, do đó hạn chế xe máy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ông Vũ Văn Viện cho hay, thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đã có đủ các điều kiện cần thiết. Cụ thể là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng phải phát triển đến một mức độ tương ứng nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cải thiện môi trường sống của thành phố.
“Trong lộ trình mà chúng tôi đang xây dựng sẽ thực hiện hạn chế xe máy từng bước theo tuyến, theo khu vực. Những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ hạn chế hoạt động của xe máy”, ông Vũ Văn Viện nói.