Cấm xe máy ngoại tỉnh ở Hà Nội có khả thi?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố", trong đó có đặt ra lộ trình dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 – 19 giờ hàng ngày từ năm 2021.

Nếu được thành phố thông qua, dự kiến đề án sẽ được phân công thực hiện cuối năm nay.

Nếu không sớm có giải pháp hạn chế xe cá nhân, giao thông Hà Nội sẽ vỡ trận. Ảnh: Tiến Hiếu

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô được chia theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 – 19 giờ hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Đường Giải Phóng - Pháp Vân thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Tiến Hiếu 

Trao đổi vấn đề này, không ít người dân không đồng tình, vì cho rằng có sự “phân biệt vùng miền”, “không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội”, “làm sao mà kiểm soát hoặc chứng minh được đâu là xe ngoại tỉnh và nội tỉnh”… 

Chị Nguyễn Thị Lan, thường xuyên chở hoa quả từ Hưng Yên lên Hà Nội, bán hàng tại chơ Long Biên cho hay: “Hết sức vô lý. Tôi thường xuyên phải chở hoa quả từ sáng sớm lên Hà Nội để bán hàng kiếm sống. Nếu cấm xe máy ngoại tỉnh, thì chắc cả gia đình phải thồ xe đạp lên chợ Hà Nội bán hàng ngày, như vậy còn gây ùn tắc hơn. Nếu đi xe buýt thì cũng không thể chở hàng tải hoa quả được. Hơn nữa, đa phần người ngoại tỉnh lên Hà Nội để mưu sinh. Cấm phương tiện thì khác gì bắt chúng tôi ở nhà, mà đâu phải ai cũng có điều kiện mua xe máy biển đăng ký Hà Nội…”.

Người và xe chôn chân trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Tiến Hiếu

Bạn Lưu Bích Hà, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ: Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra các quy định gặp phải những ý kiến không đồng tình về chủ trương. Chẳng hạn trước đây đã có đưa ra giải pháp xe biển số chẵn không được lưu hành vào ngày lẻ là biện pháp hạn chế xe máy giai đoạn 2003-2005; người ngực lép, cận thị không được đi xe máy; đi xe phải chính chủ… nhưng đều không thực hiện được. Do đó, giải pháp cấm xe máy ngoại tỉnh cũng sẽ không ngoại lệ. 

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, muốn hạn chế được xe cá nhân, thành phố cần phát triển giao thông công cộng hoàn chỉnh, đồng bộ trước đã, sau đó bổ sung mạng lưới xe buýt tiện dụng, phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Lúc đó không cần cấm, người dân tự bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng. Làm thế nào để người dân tự nguyện không sử dụng xe máy chứ không nên ép buộc. 

 Hà Nội hiện có hơn 5 triệu xe máy (tăng 7,6%/năm) và hơn 500.000 ô tô các loại (tăng 12,9% mỗi năm), trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt ở mức bình quân 3,9%/năm.


Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý và tiến tới tổ chức hội thảo. Đây chưa phải là đề xuất chính thức của Hà Nội. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa có văn bản chính thức báo cáo thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, qua khảo sát cho thấy, xe máy ngoại tỉnh ra vào Hà Nội hiện nay có đến 80% là của sinh viên, cán bộ công nhân viên tại các khu công nghiệp, có các chuyến đi, tần suất cố định về điểm đi, điểm đến. Đối với các trường hợp này, cần khuyến khích tham gia vận tải hành khách công cộng, nhằm hạn chế gây áp lực cho giao thông nội đô. Đây được coi là tiền đề khả thi để tiến tới hạn chế xe máy. 

Rõ ràng, nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu để hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ô tô, xe máy không giảm, thì giao thông Thủ đô sẽ ngày càng trở nên rối. Vì dự báo, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ô tô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy. Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20 km/giờ, thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố và không ngừng vượt ngưỡng liên tiếp. Hệ quả là các phương tiện không thể di chuyển trên đường. 


Tiến Hiếu
Lại chuyện ùn tắc dịp nghỉ lễ
Lại chuyện ùn tắc dịp nghỉ lễ

Dẫu không muốn đề cập, nhưng cứ mỗi kỳ nghỉ lễ qua, lại không thể cầm lòng khi liên tiếp phải đón nhận tin dữ về số người chết vì tai nạn giao thông, tình trạng lái xe nhồi nhét khách, nhiều bến xe và tuyến đường cửa ngõ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại rơi vào tình trạng quá tải. Dịp nghỉ Quốc khánh năm nay cũng không phải ngoại lệ. Ngày 4/9, tức là ngày cuối của kỳ nghỉ, tại nhiều tuyến đường cửa ngõ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị kẹt cứng vì lượng người đổ dồn về nội đô cùng thời điểm, khiến việc lưu thông hết sức khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN