Tổ chức giao thôngTheo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường hướng tâm thành phố, đặc biệt là khu vực phía tây thành phố thường xuyên xảy ra các điểm ùn tắc giao thông. Các điểm ùn tắc giao thông tập trung phần lớn tại những tuyến phố đi qua các khu đô thị mới như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy... (quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân). Nguyên nhân do khu vực này đang triển khai xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị với nhiều khu chung cư cao tầng đang gây áp lực lên quy hoạch hạ tầng đô thị.
Tình trạng ùn tắc diễn ra trên nhiều tuyến đường Thủ đô. Ảnh: atgt.vn |
Để giảm ùn tắc giao thông, hiện Hà Nội đang triển khai các giải pháp tổ chức lại giao thông. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Các tuyến đường thường xuyên ùn tắc giao thông hiện nay như đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy và Nguyễn Trãi là do thi công tuyến đường sắt đô thị trong khi lưu lượng giao thông lớn. Thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị thi công, chủ đầu tư phải xây dựng phương án, biện pháp thi công với thời gian rút ngắn nhất để sớm giải tỏa các lô cốt.
Các đơn vị thi công, chủ đầu tư phải thực hiện rào chắn phạm vi thi công, đảm bảo an toàn và linh hoạt để vào giờ cao điểm có thể di chuyển thu hẹp phạm vi rào chắn, dành tối đa mặt đường cho giao thông đi lại. Thành phố nghiên cứu để hạn chế lưu lượng phương tiện lưu thông trên các trục đường đang thi công, trong đó có giảm tần suất hoạt động xe buýt vào giờ cao điểm, nghiên cứu hạn chế taxi lưu thông trên các tuyến đường này”.
Vào giờ cao điểm, các điểm thường xuyên gây ùn tắc khu vực trước cổng trường học, bệnh viện, khu đô thị lớn. “Để phân luồng, giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp lực lượng dân phòng, đoàn thanh niên tổ chức ứng trực, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thường xuyên ùn tắc và đã mang lại hiệu quả rõ nét”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.
Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020 có tổng dự toán 2.167 tỷ đồng với mục tiêu là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí: Về số vụ, số người chết và số người bị thương. |
Một trong những nguyên nhân gây ra tắc đường là sự phát triển quá nóng phương tiện cá nhân với tốc độ tăng trung bình 10%, trong thời gian tới, Sở GTVT xây dựng đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn để xác định lộ trình, giải pháp khắc phục trong khi kết cấu hạ tầng phát triển giao thông không theo kịp, gây ùn tắc. “Đối với những tuyến đường hướng tâm, mật độ giao thông lớn, thành phố Hà Nội tập trung giải tỏa và chống tái lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông; rà soát, sắp xếp các điểm đỗ xe trên hè và lòng đường để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đi lại”, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết.
Thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Theo đó, 100% các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn. Các địa phương sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mĩ quan đô thị. Từ 1/12, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã triển khai việc xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh. Qua đó nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.
Hạn chế điều chỉnh quy hoạchMột trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông gần đây là việc không tuân thủ của các chủ dự án xây dựng. Do đó, Hà Nội tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế mật độ dân cư nội đô.
“Thành phố hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị nâng tầng từ đường Vành đai 3 trở vào khu trung tâm. Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình. Quỹ đất này sẽ được ưu tiên dành cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác…”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND thành phố Hà Nội), do tình hình ùn tắc giao thông thành phố thời gian gần đây diễn biến phức tạp, kỳ họp HĐND lần thứ 14 đã thông qua Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Để đảm bảo đồng bộ, chống ùn tắc giao thông phải gồm nhiều giải pháp. Tuy nhiên, thành phố sẽ quan tâm đến 3 vấn đề lớn gồm: Triển khai 16 dự án cầu vượt ở một số nút giao thông quan trọng, trong đó có 10 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và thêm 6 dự án mới. Tiếp đó sẽ có sự khớp nối hạ tầng đối với những trục tuyến mới mở. Vấn đề thứ 3 là tiếp tục lắp đặt hệ thống camera kết nối mạng VOV giao thông để thông tin giảm thiểu ùn tắc và tương lai sẽ xử phạt nguội trên cơ sở dữ liệu này.