Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), việc quản lý phương tiện giao thông phải đáp ứng được 2 mục tiêu. Một là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông do gia tăng phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp. Hai là vẫn phải đảm bảo quyền của người dân được sở hữu tài sản, sở hữu phương tiện cá nhân.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long). |
"Khi hạn chế phương tiện cá nhân phải đảm bảo phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Người dân được phục vụ thuận tiện với nhiều loại phương tiện khác nhau, kết nối các phương tiện giao thông công cộng với nhau, từ tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt, taxi…", ông Thắng nói.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, để người dân chuyển từ việc sử dụng xe cá nhân sang dùng phương tiện công cộng, cần tuyên truyền để người dân thay đổi dần nhận thức và thói quen.
"Khi nào thấy đủ điều kiện thì mới áp dụng chứ mong muốn là một chuyện, điều kiện thực tiễn lại là chuyện khác. Cần chuẩn bị kĩ lưỡng trước bất kì sự thay đổi nào ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Và nếu thay đổi thì các yếu tố thay thế phải được chuẩn bị xong rồi", đại biểu Thắng đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội). |
Còn đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải lấy ý kiến thăm dò, phản hồi từ người dân. Trong điều kiện hiện nay, các giải pháp để hạn chế tắc nghẽn giao thông vẫn đang được nghiên cứu, cần chọn giải pháp phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển của đô thị và nền kinh tế - xã hội.
"Giải pháp phải đồng bộ, tăng cường giao thông công cộng, bên cạnh đó cũng phải truyền thông để người dân nhận thức được, ủng hộ chủ trương và có quyền lựa chọn", đại biểu Chiến cho hay.
Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội,
xe máy sẽ bị cấm tại các quận Hà Nội từ năm 2030.