Thái Nguyên: Nguy cơ sạt lở cao tại tuyến đê kè Đô Tân - Vạn Phái

Trên tuyến đê kè Đô Tân - Vạn Phái thuộc địa bàn xóm Vạn Kim, xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), đã xuất hiện tình trạng sạt lở ngay gần chân công trình, mặt kè hư hỏng, sụt lún, có nguy cơ mất an toàn.

Đây là tuyến đê kè được thi công hoàn thiện năm 2012 với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Theo nhiều người dân địa phương, tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đê kè có thể do các tàu khai thác cát sỏi đang gia tăng hoạt động làm thay đổi dòng chảy của sông Công qua địa bàn xã.

Chú thích ảnh
Một điểm sụt lún trên tuyến đê kè Đô Tân - Vạn Phái mới được xây dựng.

Ông Lưu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vạn Phái cho biết: Phản ánh của người dân là có cơ sở, tình trạng sạt lở xuất hiện khoảng 2 năm gần đây, ngoài việc gây mất an toàn đê điều còn khiến hơn 1 ha đất bãi soi Vườn Cùng, xóm Vạn Kim, có nguy cơ sạt xuống lòng sông Công.

Sạt lở đi cùng với việc các tàu hút cát gia tăng hoạt động, song chính quyền xã không nắm được chính xác tàu cát của doanh nghiệp nào bởi việc cấp giấy phép khai thác là do tỉnh.

Bên cạnh đó, các tàu hút cát hoạt động chủ yếu về đêm, neo đậu giữa sông nên rất khó xác định có khai thác cát sỏi ở phía bờ sông của xã Vạn Phái hay không. Ngay cả các bến cát tự phát ngay sát chân đê đang hoạt động khá nhộn nhịp, xã cũng chưa thống kê được cụ thể...

Nhận được thông tin, đầu tháng 10/2018, Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra hiện trường và ghi nhận tình trạng sạt lở gần chân kè đê Đô Tân - Vạn Phái, một số điểm sụt lún xuất hiện ở thân đê kè.

Tuy vậy, để xác định nguyên nhân gây ra sạt lở, cần có cơ quan chuyên môn đánh giá, kết luận. Trước mắt, Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng phương án xử lý điểm sạt lở, sửa chữa phần đê kè bị hư hại.

Chú thích ảnh
Một điểm sạt lở bở sông Công ngay sát công trình đê kè Đô Tân - Vạn Phái mới được xây dựng. 

Qua tìm hiểu của phóng viên, giấy phép khai thác cát sỏi trên sông Công đoạn qua xã Vạn Phái được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Trường Phát vào tháng 1/2012.

Theo giấy phép được cấp, doanh nghiệp được khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát, sỏi trên sông Công ở 3 xóm thuộc địa phận thị xã Phổ Yên gồm: Xóm Lò (xã Nam Tiến), Vạn Kim (xã Vạn Phái) và Cầu Sơn (xã Trung Thành). Tổng diện tích khu vực khai thác là 34 ha, trữ lượng khai thác gần 1,4 triệu m3 cát sỏi, thời hạn khai thác là 30 năm kể từ ngày cấp phép.

Trước phản ánh của người dân, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên khẳng định sẽ tổ chức kiểm tra việc khai thác cát sỏi tại khu vực xóm Vạn Kim, xã Vạn Phái trong thời gian sớm nhất, yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong giấy phép được cấp, nhất là việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ theo đúng tọa độ, diện tích, độ sâu các thân khoáng đã thăm dò, các quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn công trình mỏ...

Tin, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Sạt lở nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Sạt lở nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN