Có những điểm tái xâm thực bờ biển nhiều lần sau khi khắc phục tạm thời như ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Ở đây, biển xâm thực toàn tuyến bờ biển dài 3,3 km, có đoạn sâu vào đất liền chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 là 0,5 m; nhiều khu dân cư thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m. Tại cửa biển Vinh Hiền (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, mưa lũ lớn khiến nước trong đầm Cầu Hai chảy ra mạnh cũng làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m. Cửa biển Lạch Giang cách đó không xa cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150m...
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), bờ biển dài chừng 2km cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào khu dân cư và khu vực sản xuất, kinh doanh của người dân. Nhiều ngôi nhà, khu nhà ương nuôi thủy sản giống được xây kiên cố đã bị sóng biển đánh sập. Hàng trăm ngôi nhà dân hiện nay chỉ còn cách bờ biển vài chục mét, nhất là trong tháng 8, 9 mới đây bị sạt lở sâu thêm 3-5 m. Chính quyền địa phương đã tổ chức quy hoạch, cấp đất tái định cư, hỗ trợ xây nhà cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở. Tuy nhiên, quỹ đất ở địa phương có hạn, nếu không xây dựng bờ kè kiên cố, bờ biển sạt lở cứ tiếp diễn, ngày càng lấn sâu vào khu dân cư, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, đời sống, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, làm cho cuộc sống người dân thêm bất an.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế dự tính cần nguồn kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng để khắc phục, đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở bờ biển từ Phong Điền đến Phú Lộc. Trong điều kiện khó khăn, tỉnh rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên các điểm sạt lở ở Quảng Công (Quảng Điền), Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang). Riêng dự án xây kè biển ở Vinh Hải (Phú Lộc) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất đưa vào Chương trình mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Đầu năm 2018, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã thống nhất, quyết định chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (2018-2020). Quy mô công trình là xây mới tuyến kè dài 3,1km dọc bờ biển từ Thuận An (Phú Vang) đến cửa Tư Hiền (Phú Lộc). Mục tiêu công trình bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung của 5 xã vùng bãi ngang ven biển với khoảng 1.316 hộ dân, gần 5.753 nhân khẩu, hơn 450 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, 85 ha nuôi trồng thủy sản và 14 ha đất rừng phòng hộ ven biển, giữ vững nguồn sinh kế giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Qua kinh nghiệm của nhiều địa phương ven biển, ngoài xây kè chỉnh trị nạn sạt lở bờ biển, còn có biện pháp thông dụng và hiệu quả nhất là trồng rừng phi lao chắn cát, chắn sóng. Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) đang phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế tìm phương án chống sạt lở bằng cách trồng cây giữ đất ven biển. Theo đó, xã sẽ triển khai trồng cây trang, loại cây cùng họ với cây đước, có sức sống mãnh liệt với bộ rễ bám sâu, giữ đất.
Tuy nhiên, đặc điểm địa hình vùng biển ở Thừa Thiên - Huế là vùng bờ thấp, nằm sát mực nước nên việc trồng các loại cây chắn sóng ở một số nơi sẽ không hiệu quả do cây chưa đủ lớn, bộ rễ chưa đủ độ chống chọi với thiên tai, giữ đất thì đã bị sóng cuốn trôi.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thời gian qua ở Thừa Thiên - Huế, biện pháp xây kè chống sạt lở bờ biển đã được triển khai ở một số địa phương và phát huy hiệu quả. Nhưng đây là giải pháp tốn kém kinh phí và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, phương án địa phương sẽ tính toán, chọn thêm phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu quả trước mắt cũng như sự bền vững lâu dài...