Theo thống kê của UBND xã Bảo Thuận, đợt triều cường rằm tháng giêng (từ ngày 12-14/2) đã làm sạt lở một phần đất phía ven biển ở Cồn Nhàn, ấp Thạnh Hải. Phần đất sạt lở dài trên 500m và sâu vào trên 50m, có đoạn vào sâu gần 100m.
Triều cường cũng đã làm một căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 500m đê bao dân sinh và 250m đường dân sinh bị sụt lún, nhiều trụ điện ngã làm mất điện toàn khu vực Cồn Nhàn.
Các công trình đang thi công như tuyến đường vành đai Bảo Thuận - An Thủy, khắc phục bờ bao dân sinh do hai đợt triều cường làm sạt lở đợt giữa và cuối tháng 2/2017 đều phải tạm dừng để di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi an toàn.
Đợt triều cường cuối tháng 2 cũng đã khiến ba hộ dân bị mất trắng 1,5ha đất sản xuất. Nhiều bờ bao được xây dựng sau đợt triều cường trước với kinh phí hàng chục triệu đồng đã không thể trụ vững, bị nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại trong hai đợt triều cường ước tính khoảng 600 triệu đồng.
Cũng trong hai đợt triều cường vào tháng 2/2017 khiến ao lắng chứa nước nuôi tôm khoảng 2.000m2 của hộ anh Nguyễn Văn Lĩnh, ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bị sóng biển đánh sạt lở, mất đất, mất tôm. Hiện nay, ao nuôi tôm của gia đình anh Lĩnh đang bị đe dọa không biết sẽ bị sóng biển cuốn đi khi nào.
“Những năm trước lở rất ít nhưng 2-3 năm gần đây sạt lở quá nhiều. Năm rồi ao tôm này còn làm được nhưng năm nay bể banh hết. Ở đây đất giồng (đất cát gò cao) trồng rau màu không được vì gần biển, nước mặn vào nên đào ao nuôi tôm. Nhưng nuôi tôm giờ cũng không được nữa, nuôi sợ ao bể, tôm trôi ra biển hết”, anh Lĩnh cho biết.
Triều cường cuối tháng 2/2017 cũng đánh sạt lở bờ đê của gia đình bà Bùi Thị Chung, ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, nước biển tràn vào làm ruộng dưa hấu của gia đình bà Chung héo dây, chết. Nước biển tràn vào sâu khiến giếng nước nhà bà Chung cũng bị nhiễm mặn phải di dời vào sâu bên trong 500m.
Bà Chung ngán ngẩm: “Năm nào cũng sạt lở, nước biển tràn vào hoa màu. 10 năm trước đất còn ở ngoài xa, cách bờ đê nhà tôi khoảng mấy chục mét. Mỗi năm gió biển, sóng đánh giờ sạt lở muốn hết rồi. Một năm đắp đê 3-4 lần, bờ đê cao 1,5m nhưng vẫn bị sạt lở. Mỗi năm mất 4-5 triệu đồng làm bờ đê”.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, cho biết sạt lở bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú năm nào cũng xảy ra. Mỗi năm sạt lở mất khoảng 1ha đất. Hàng năm bà con ở đây đều đắp bờ kè nhưng do kinh phí không có nhiều nên chỉ đắp bờ kè đất hoặc đắp bao cát vì thế sóng biển đánh vào không chịu nổi.
Trong năm 2016, ở khu vực này có ba hộ phải di dời vào chỗ khác do sạt lở. Trước đây, nơi này cũng có vài chục hộ sinh sống nhưng sạt lở, mất đất nên các hộ này chuyển đi những chỗ khác để làm ăn. Mười mấy hộ này đều có vay ngân hàng để làm ăn nhưng hiện tại đất mất, tiền vay chưa trả được ngân hàng.
Ở Bến Tre, triều cường sạt lở thường xảy ra vào tháng 10-12 âm lịch, thế nhưng năm 2017, triều cường lại xảy ra vào tháng giêng âm lịch. Mỗi năm sạt lở sâu vào khoảng 40-50m, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của bà con nhân dân, đặc biệt là các hộ trồng màu và các hộ nuôi trồng thủy sản.
Giải pháp tình thế
Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Bến Tre là 7.833 ha, nằm trên địa bàn của 12 xã thuộc 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Trong đó diện tích đất có rừng của tỉnh là 4.217 ha, chiếm gần 54 % diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Do tác động của dòng hải lưu, dòng chảy ven bờ, kết hợp với sóng biển… làm cho vùng ven biển của tỉnh Bến Tre bị xâm thực và xói lở nghiêm trọng.
Do bị xói lở và cát tràn, hàng năm diện tích rừng ở Bến Tre bị thiệt hại bình quân 20,7 ha/năm, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Thạnh Phú (11,8 ha/năm).
Thời gian từ khoảng tháng 11 - 4 hàng năm, triều cường kết hợp gió mùa Đông Bắc (gió chướng) gây sóng to và hướng thẳng góc với bờ biển, gây sạt lở, cát tràn làm chết cây rừng hoặc cây bị ngã đổ và sóng cuốn trôi. Rừng bị thiệt hại gồm cả rừng đặc dụng và phòng hộ chắn sóng lấn biển; loài cây chủ yếu là đước, mắm, phi lao.
Theo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 6/8/2013, trong nội dung đánh giá tình trạng xói lở vùng ven biển tỉnh Bến Tre xác định khu vực bị xói lở tại các địa điểm: cửa sông Cống Bể thuộc tiểu khu 4 xã Thừa Đức và tiểu khu 5 xã Thới Thuận, huyện Bình Đại sạt lở với chiều dài khoảng 4km;
Khu vực ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận và khu vực Cồn Hố, xã An Thủy, huyện Ba Tri có khoảng 3,5km đất rừng bị xói lở; tại tiểu khu 15 và 16 xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú hơn 3 km rừng bị xâm thực, xói lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm tốc độ sạt lở khoảng 25m/năm. Nơi bị lở nặng nhất có tốc độ sạt lở 40m/năm.
Trước tình hình triều cường gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện các dự án trồng rừng để chắn sóng, chắn gió. Dự án Đầu tư Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 - 2017, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014, với quy mô trồng mới 269 ha.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng được Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 đầu tư ba dự án: Dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri với quy mô trồng rừng mới 47,84 ha; Dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Thừa Đức, huyện Bình Đại với quy mô trồng rừng mới 50,18 ha; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2020 với quy mô trồng rừng mới 173,47 ha.
Tuy nhiên, theo ông Tiết Kim Chiêu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre, trước những diễn biến phức tạp của dòng chảy ven biển, triều cường, gió to, sóng lớn, việc trồng rừng mới chỉ thực hiện ở các khu vực đất đang bồi tụ thì khả thi. Đối với khu vực đang bị xói lở, chỉ dùng biện pháp lâm sinh (trồng, bảo vệ rừng) thì không hữu hiệu mà cần phải kết hợp giữa biện pháp công trình (kè chắn phía ngoài để cản sóng, gây bồi tụ) và lâm sinh mới hiệu quả.