Đồng thời, các địa phương cũng đã phê duyệt hồ sơ cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỷ đồng tại 38 địa phương và đã có 15 địa phương thực hiện giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng (15 tỉnh thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau).
Nguyên nhân việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê trọ cho người lao động còn thấp, Bộ LĐTBXH cho rằng, nhiều địa phương còn chờ Quyết định 791 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương "sợ sai" nên yêu cầu thêm các xác nhận. Cụ thể , trong yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng sợ sai nên lập danh sách và nộp BHXH còn chậm. Một số doanh nghiệp dồn lại để trả liền 3 tháng một lúc. Việc này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách.
Theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH, các địa phương hiện nay đang tập trung vào việc giải ngân khoản tiền hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động. Trong tháng 7/2022, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trọ. Theo quy định, chậm nhất là ngày 15/8, hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động.
Hiên nay, sau khi có Quyết định 791, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đôn đốc các địa phương giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động.
Quyết định 08 triển khai từ 1/4/2022 với số tiền hỗ trợ 6.600 tỉ đồng để công nhân thuê nhà trọ được lấy từ ngân sách Nhà nước. Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) khi lập chương trình hỗ trợ dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này nhưng sau hơn 3 tháng triển khai, tiến độ giải ngân hỗ trợ rất chậm do vướng mắc thủ tục hành chính ở cơ sở.