Điều chỉnh căn cứ trên thực tế
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tổ chức hội nghị đối thoại với tổ chức công đoàn cơ sở, NLĐ để thỏa thuận về tiền lương.Đồng thời, doanh nghiệp cũng triển khai bảng lương và đăng ký với sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) để có thang bảng lương mới cập nhật theo quy định của Chính phủ.
Hiện nay, thị trường lao động trong cả nước đang có sự cạnh tranh rất lớn, nhất là ngành dệt may sử dụng nhiều lao động. Vì thế, nhiều công ty may đã có kế hoạch tăng lương cho NLĐ từ ngày 1/7 để động viên và khuyến khích mọi người làm việc.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, Tổng Công ty đã xây dựng thang bảng lương mới theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ và có khoảng 7.500 NLĐ được tăng 6% lương cơ bản. Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn duy trì hỗ trợ NLĐ tiền chuyên cần, ăn ca, xăng xe, hỗ trợ xe đưa đón… khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Công ty May liên doanh Plummy tăng lương cơ bản 6% cho công nhân làm công việc giản đơn từ 4.641.000 đồng/tháng lên 4.914.000 đồng/tháng; công nhân may, cắt, là (đã qua đào tạo nghề) lương cơ bản từ 4.965.870 đồng/tháng được tăng lên thành 5.257.980 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều công ty đã thực hiện điều chỉnh tăng thêm 6% lương từ 1/1/2022. Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) - cho biết: Công ty đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ đầu năm. Lương tối thiểu hiện hành đang áp dụng cao hơn nhiều so với quy định. “Cụ thể, chúng tôi tăng lương 3% so với năm 2021 và 6% so với năm 2020. Vì vậy, công ty sẽ không thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7 bởi đang áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn quy định”, ông Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Phổ biến thông tin quy định về lương tối thiểu
Trước thời điểm này, Bộ LĐTBXH và Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có công văn số chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng. Theo đó, các đơn vị này đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở LĐTBXH phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các LĐLĐ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các ban, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đúng quy định.
Về trách nhiệm thi hành, tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đáng chú ý, theo hướng dẫn này, các chủ sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Ngay sau khi có công văn hướng dẫn, các Sở LĐTBXH địa phương đã có văn bản chỉ đạo xuống từng doanh nghiệp, các cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.
“Thực tế, NLĐ luôn muốn được tăng lương. Tuy nhiên, qua nắm bắt của chúng tôi, từ đầu năm, các doanh nghiệp đã điều chỉnh lương tối thiểu vùng, thoả thuận với NLĐ. Rất nhiều doanh nghiệp đang trả lương cao hơn so với mức tối thiểu. Cho nên, thời điểm từ 1/7, các doanh nghiệp sẽ căn cứ trên thực tế để điều chỉnh hay không”, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bắc Giang cho biết.
Khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm phía bắc cho thấy, trên thực tế, tiền công trả cho lao động hiện cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Anh Nguyễn Văn Bắc, một chủ sử dụng lao động tham gia tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho biết: Với thị trường lao động Hà Nội, lương hiện trả cho lao động phổ thông, trung cấp tầm 5,5 triệu đồng; theo giờ từ 40.000-50.000 đồng. Thực tế đang cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng quy định.
Theo các chuyên gia lao động, những DN đã trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP mà không điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ ngày 1/7 thì không sai quy định. “Tuy nhiên, DN thực hiện tăng lương tối thiểu chính là một trong các giải pháp giữ chân người lao động khi nhu cầu tuyển dụng tăng lên, trong khi nguồn cung có phần hạn chế. Chắc chắn trong bối cảnh hiện nay, DN nào trả lương èo uột, không điều chỉnh mức lương tối thiểu thì rất dễ xảy ra tình trạng bất ổn về quan hệ lao động, thậm chí là không giữ chân được NLĐ”, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Để tăng thu nhập cho người lao động, về phía công đoàn cũng sớm triển khai nâng cao năng lực thương lượng, thỏa thuận của người lao động với chủ sử dụng lao động để đảm bảo điều kiện lao động và mức thu nhập tốt hơn cho người lao động.