Có được tăng lương tối thiểu vùng khi bỏ quy định cao hơn 7% với người qua đào tạo?

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, điểm mới của Nghị định này là bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề. Do đó, người lao động lo ngại doanh nghiệp sẽ lách vì đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo Nghị định 38, về mức lương tối thiểu tháng quy định theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Khác so với các Nghị định tăng lương tối thiểu các năm trước, điểm đáng chú ý trong Nghị định mới là đã bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề. Theo đó, Nghị định 38 chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Với việc bỏ quy định lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề, một số ý kiến lo ngại tiền lương của người lao động khó tăng cao hơn trong điều kiện năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế.

Mới đây, trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho rằng, Chính phủ ban hành nghị định số 38/2022 về việc điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng so với mức lương tối thiểu hiện hành, thoạt nhìn thì thấy mức tăng lương là như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương cho người lao động đầu tháng 7/2022.

Theo khoản 1b, Điều 5, Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đã cho phép áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Thực tế tại doanh nghiệp, tất cả lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc được, nên lâu nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng mục 1b này và lương tối thiểu vùng I đều không thấp hơn mức 4.729.400 đồng/tháng.

Đến nay, Nghị định 38 đã bỏ phần quy định trên và chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương tối thiểu cho lao động do mức đang áp dụng 4.729.400 đồng đã cao hơn mức 4.680.000 đồng của Nghị định 38/2022. “Thực tế tất cả công nhân nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều là lao động đã qua đào tạo và thử hỏi có công nhân nào dám tự thương lượng mức lương tối thiểu với chủ doanh nghiệp và thương lượng thành công không...?”, ông Hồng bày tỏ.

Ở thời điểm hiện tại, chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu, nhưng người lao động cũng gặp khó khi giá cả sinh hoạt tăng cao mà lương không tăng.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, luật đã quy định doanh nghiệp được xây dựng thang lương, bảng lương. Vì vậy, người lao động và tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động cần đàm phán với chủ sử dụng lao động để có hệ thống lương phù hợp. “Bây giờ phải tăng cường nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn để đàm phán tăng lương”, ông Phạm Minh Huân nhìn nhận.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải, Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây quy định Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp.

Căn cứ quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương (trong đó có nguyên tắc mức lương thấp nhất của công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng).

Nội dung này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế, đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Vì vậy, triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận.

Trước lo ngại này từ phía người lao động, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 38 của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7. Trong nội dung có hướng dẫn, người sử dụng lao động rà soát tất cả thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh tiền lương cho phù hợp. Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm chế độ tiền lương khi lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và phúc lợi khác theo quy định của luật lao động.

Với những thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38 thì tiếp tục thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho lao động làm công việc hoặc chức danh đã qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Mặc dù có hướng dẫn trên nhưng các tổ chức công đoàn cơ sở đều lo ngại việc bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề sẽ không được áp dụng tăng lương tối thiểu từ 1/7 khi chủ doanh nghiệp “lách” luật bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức tổi thiểu sắp sửa áp dụng vào tháng tới. Bỏ quy định trên khiến công đoàn cơ sở không còn hành lang pháp lý để đàm phán tăng lương với giới chủ, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi phí khi xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu cũng tăng theo.

 

XM/Báo Tin tức
Quảng Bình: Tham gia BHXH đảm bảo an sinh xã hội
Quảng Bình: Tham gia BHXH đảm bảo an sinh xã hội

Việc chú trọng triển khai chính sách BHXH, BHYT đồng bộ đã giúp tỉnh Quảng Bình thu về những kết quả về đảm bảo an sinh xã hội với khoảng 90% tổng dân số trên địa bàn tham gia BHYT; gần 105.000 tham gia BHXH. Các chế độ chính sách về BHXH, BHYT được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN