Tuyên truyền, thay đổi nhận thức tham gia BHXH tự nguyện tại vùng công giáo

Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cao hơn bình quân chung của cả nước.

Chúng tôi về giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình vào dịp hè nắng gắt. Những cán bộ BHXH huyện vẫn cần mẫn tiếp cận, tư vấn theo nhóm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cùng với chính quyền địa phương, các đoàn thể, cơ quan BHXH tại đây còn được kết nối với giáo xứ tổ chức tuyên truyền, vận động giáo dân tham gia.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Bình, thị xã Ba Đồn làm việc, tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại giáo xứ Văn Phú (Ba Đồn, Quảng Bình).

Dù hai năm dịch bệnh, thu nhập của người dân bị tác động nhiều nhưng khi được tư vấn về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, có những người từng tham gia BHXH bắt buộc và rút BHXH 1 lần quay lại tham gia BHXH tự nguyện.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền theo nhóm nhỏ với những đối tượng có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Bà Hoàng Thị Thế (hơn 56 tuổi), xã Quảng Vân, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tôi làm nông nghiệp và không biết đến loại hình BHXH tự nguyện. Sau khi được tuyên truyền lợi ích về BHXH tự nguyện qua hội nghị và qua buổi nói chuyện của cha xứ, tôi tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu”.

Còn chị Hoàng Thị Thịnh, 40 tuổi, cũng ở xã Quảng Vân trước từng làm trong TP Hồ Chí Minh 5 năm và rút BHXH 1 lần. Nay, sau khi được tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già, chị Thịnh lại tham gia lại BHXH tự nguyện từ tháng 5.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Giám đốc BHXH thị xa Ba Đồn cho biết: Với vùng giáo dân, bên cạnh sự kết hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở, đơn vị kết hợp với cha xứ tuyên truyền, vận động những người có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già và đạt những hiệu quả tích cực.

Theo BHXH thị xã Ba Đồn, trong 2 năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Số người tham gia BHXH tự nguyện 3.576 người, giảm 91 người so với cuối năm 2021, đạt 71,51% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao; đạt 6,22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra), cao hơn khoảng 3,1% so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, BHXH thị xã Ba Đồn đã khai thác được 324 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng do số người tham gia giảm mạnh, dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến hết tháng 5/2022 giảm 91 người so với cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Tư vấn cụ thể mức đóng BHXH theo từng trường hợp.

Từ góc độ cơ sở, ông Đoàn Văn Trung, Giám đốc BHXH thị xã Ba Đồn cho biết, về nguyên nhân, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được đối tượng tham gia. Theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện.

Mặt khác, trong thời gian dài nhà nước không có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ ngày 1/1/2018, nhà nước hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng mức hỗ trợ còn thấp, cụ thể bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được người sử dụng lao động đóng đến 63,63% mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm, như vậy là còn khá dài, chưa thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

“Việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1/2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn”, ông Đoàn Văn Trung chia sẻ.

Chú thích ảnh
Là vùng thuần nông nên nhiều người dân mong muốn được hỗ trợ để duy trì sự tham gia BHXH tự nguyện.

Từ cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình cho biết, hiện tỉnh có hơn 33.900 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 5% so với bình quân chung toàn quốc. Điều này có được nhờ thời gian qua BHXH tỉnh luôn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, hiện tại mức tăng chậm lại do mức đóng tăng cao do điểu chỉnh chăn cứ đóng theo chuẩn nghèo mới áp dựng từ đầu năm 2022.

Do vậy, BHXH tỉnh Quảng Bình bên cạnh tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động theo từng nhóm đối tượng phù hợp, BHXH tỉnh cũng đề xuất có những điều chỉnh chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Dự kiến giảm năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để hưởng lương hưu
Dự kiến giảm năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sẽ tính toán rút ngắn thời gian đóng từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm, tiến tới 10 năm, đồng thời thiết kế lại mức hưởng, tỷ lệ hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN