Quân đội đã chủ động phương án phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã điều trên 120.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất cùng với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng bộ đội tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN.

Nghĩa tình nơi trận tuyến chống dịch

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng), Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì khoảng 1.900 tổ chốt trên tuyến biên giới để kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh trái phép góp phần ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh COVID-19 qua biên giới. Duy trì hàng ngàn tổ chốt tuần tra, kiểm soát làm nhiệm vụ phục vụ cho việc cách ly tập trung và các khu phong tỏa, khu điều trị đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm việc giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại, đảm bảo việc ăn ở cho khoảng 290.000 lượt người. Kịp thời điều động hàng ngàn bác sĩ, kỹ thuật viên; khoảng 600 tấn vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men để chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các các tỉnh phái Nam chống dịch.  

Bộ Quốc phòng đã thành lập 11 bệnh viện giã chiến truyền nhiễm và Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, với quy mô trên 6.000 giường bệnh để chia sẻ, hỗ trợ giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương. Triển khai trên 600 tổ quân y về các trạm y tế xã, phường để giúp giúp đỡ tuyến y tế cơ sở phòng chống dịch bệnh; trong đó, TP Hồ Chí Minh có 475 tổ quân y tham gia ở 312 trạm y tế xã, phường. Tổ chức 8 kho bảo quản vaccine tại 7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đồng thời, vận chuyển, phân phối khoảng 112 tấn vaccine góp phần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng chống COVID-19 trên cả nước.

Với tinh thần quân đội chủ động tìm đến để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, Bộ Quốc phòng đã tăng cường hàng trăm lượt tổ quân y để tiêm vaccine, các tổ hồi sức cấp cứu, tổ quân y cơ động tham gia xét nghiệm thu dung điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Tổ chức vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa nông sản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận nơi ở của người dân. 

“Hình ảnh anh bộ đội giúp dân đi chợ, vận chuyển hàng thiết yếu, sử dụng bao xe đựng vũ khí đạn để đựng cà chua, cà rốt, xu hào... là những hình đẹp trong mắt nhân dân ở nơi tuyến đầu chống dịch", Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho hay.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trên 120.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia tăng cường công tác chống dịch. Đến nay, nhiều đồng chí có người thân mất, có vợ con bị nhiễm bệnh, nhưng cũng không thể về chăm sóc được vì đang làm nhiệm vụ. Nhiều y, bác sĩ quân y, trong đó nhiều nữ bác sĩ có hoàn cảnh khó khăn như con nhỏ, chồng đi công tác xa, nhưng khi vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, tiếp tục xung phong lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện nhiệm vụ.  

“Những lúc gian khổ ấy, không có đồng chí nào kêu ca phàn nàn hay thoái thác nhiệm vụ. Nhiều đồng chí giúp dân phòng chống dịch đã bị nhiễm bệnh và có sự hy sinh. Đây cũng là quyết tâm thể hiện trách nhiệm của người chiến sĩ quân đội đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời điểm khó khăn nhất”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình

Trong thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định toàn quân tăng cường nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nắm chắc tình hình, xử lý tốt các tình huống không để bị động bất ngờ. Đối với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp trong toàn quân đã xây dựng các phương án cụ thể, kể cả phương án ở cấp độ cao hơn và sớm hơn, tham gia phòng chống dịch bệnh không chỉ ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, mà còn sẵn sàng triển khai ở các địa bàn khác trên cả nước nếu có tình huống dịch xảy ra.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Quân đội đã xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quân đội trong thời điểm hiện nay.  

Trước đó, vào ngày 6/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng đã triển khai quân đội tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị để tham gia vào phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với quyết tâm, trách nhiệm và khả năng cao nhất: tiếp tục triển khai các trạm y tế lưu động, tổ chức lực lượng thăm khám thường xuyên số F0, điều chỉnh lực lượng quân y ở các vùng xanh tăng cường hỗ trợ cho vùng đỏ; tiếp tục điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại 11 bệnh viện dã chiến ở các khu điều trị của quân đội với phương châm tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy, nắm chắc số bệnh nhân nặng cần chuyển lên các tuyến, báo cáo với Ban Chỉ đạo để có chỉ huy, chỉ đạo, điều trị cho phù hợp và tiếp tục tập trung tham gia vào các chốt kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống dịch.

Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục sản xuất, mua sắm các trang thiết bị vật tư y tế cần thiết để trang bị, bổ sung cho các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và các trung tâm điều trị bảo đảm kịp thời, đạt hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Viết Tôn/Báo Tin tức
Bộ đội biên phòng xứng danh 'Chiến lũy trong lòng dân'
Bộ đội biên phòng xứng danh 'Chiến lũy trong lòng dân'

Những người lính quân y quân hàm xanh sẵn sàng chi viện cho các điểm nóng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần" - đó là ý chí, lòng quyết tâm của người lính Cụ Hồ vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN