Từ 1/7, TP Hồ Chí Minh quyết định ngừng cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ tạm trú dưới 6 tuổi, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế thu viện phí của trẻ em trên 3 tháng tuổi chưa có thẻ BHYT và hướng dẫn thân nhân của trẻ liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để được thanh toán lại khoản chi phí khám chữa bệnh đó.
Ths Phạm Lương Sơn (ảnh), Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
´Việc TP.HCM ngừng cấp và thu hồi thẻ BHYT của trẻ tạm trú dưới 6 tuổi từ ngày 1/7 có trái Luật BHYT không và BHXH Việt Nam có ý kiến như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi (ảnh minh họa). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Việc cấp thẻ BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng tự nguyện tham gia BHYT, nhất là đối với nhóm người dân từ các tỉnh khác về sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đang nảy sinh một số bất cập.
Hiện nay, có không ít người dân (mắc bệnh nặng, mãn tính) ở các tỉnh về TP Hồ Chí Minh sinh sống và đăng ký tham gia BHYT tự nguyện tại nơi cư trú. Do đó số lượng người tham gia thuộc diện BHYT tự nguyện của thành phố ngày một tăng. Trong năm 2011, quỹ BHYT dành cho đối tượng này đã bội chi khoảng 1.300 tỷ đồng.
Với trẻ em dưới 6 tuổi cũng tương tự, các cháu thường phải đi theo bố mẹ lên thành phố sinh sống nên các cháu vẫn được nơi đăng ký tạm trú cấp thẻ BHYT. Vậy nên, việc cấp thẻ BHYT và chi trả viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi cũng đang là một trong những nguyên nhân gia tăng gánh nặng tài chính cho TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, trong Luật BHYT, Nghị định, Thông tư về BHYT đều không quy định địa phương nào có trách nhiệm mua thẻ BHYT cho đối tượng tạm trú. Nhưng theo Luật Cư trú, nơi đăng ký tạm trú có trách nhiệm cấp thẻ BHYT cho người dân tạm trú, trong đó có trẻ dưới 6 tuổi. Bất cập dễ nảy sinh bởi không có gì đảm bảo những đối tượng tạm trú sẽ cư trú lâu dài tại TP Hồ Chí Minh. Nếu địa phương nào cũng cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú dưới 6 tuổi thì ngoài việc gia tăng “gánh nặng” về tài chính còn nảy sinh tình huống một trẻ tạm trú dưới 6 tuổi có thể được cấp 3 - 4 thẻ BHYT. Bởi vậy, đây là một bất cập cần được sửa đổi nhằm đảm bảo sự cân đối quỹ, cũng là đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người tham gia BHYT.
Sắp tới, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ họp bàn để xem xét về việc tạm ngừng cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại TP Hồ Chí Minh là có trái luật hay không và đề xuất hướng giải quyết cho vấn đề bất cập còn tồn tại.
´Mọi trẻ em dưới 6 tuổi đều có quyền được khám chữa bệnh miễn phí. Vậy TP Hồ Chí Minh có nên ra quy định thu viện phí đối với trẻ trên 3 tháng tuổi không có thẻ BHYT và yêu cầu thân nhân cháu bé tự đi thanh toán không, thưa ông?
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, chúng tôi đã yêu cầu BHXH TP Hồ Chí Minh phải đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi kể cả chưa có thẻ BHYT, đồng thời báo cáo ngay về quy định trên.
Ngày 2/7, BHXH TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản về BHXH Việt Nam, khẳng định việc thay đổi quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ ngày 1/7 chỉ liên quan đến trẻ trên 3 tháng tuổi chưa có thẻ BHYT của TP Hồ Chí Minh và không áp dụng đối với trẻ của các tỉnh khác.
BHXH TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT vẫn giải quyết cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi của các tỉnh khác đi khám chữa bệnh bằng giấy khai sinh, chứng sinh để hưởng chế độ BHYT theo quy định. Các cơ sở khám bệnh phải ghi rõ địa chỉ cư trú của cha mẹ trẻ để cơ quan bảo hiểm đủ cơ sở thanh toán (đa tuyến) với cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố khác.
Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi của TP Hồ Chí Minh đi khám bệnh bằng giấy khai sinh hoặc chứng sinh thì các cơ sở khám chữa bệnh sẽ thu viện phí. Sau đó, cấp biên lai và hướng dẫn thân nhân của trẻ về UBND xã, phường nơi cư trú để được cấp thẻ BHYT, rồi tới thanh toán với cơ quan BHXH.
Thực tế, TP Hồ Chí Minh đã chi ngân sách ra để mua thẻ BHYT cho hầu hết các cháu dưới 6 tuổi trên địa bàn nhưng khi đưa trẻ đi khám, nhiều bậc cha mẹ lại khai không có thẻ BHYT. Do đó, TP Hồ Chí Minh lại phải trích ngân sách dự phòng để chi trả cho cơ quan bảo hiểm số chi phí khám chữa bệnh của trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT. Vậy nên, quyết định nêu trên là nhằm giúp ngân sách của TP Hồ Chí Minh không phải chịu chi phí “đúp” như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)