Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 4

Để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, TP Hồ Chí Minh đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, nếu không tính đến bài toán quy hoạch đô thị đúng hướng thì các dự án chống ngập của thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, sẽ không còn nhiều tác dụng.

DỰA VÀO TƯ DUY MỚI VỀ QUY HOẠCH

Hoàn thiện quy hoạch chống ngập

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch 752 (ưu tiên cho những vùng đang có tốc độ phát triển nhanh) và quy hoạch 1547 (ưu tiên các dự án có phạm vi bảo vệ lớn) với nhu cầu vốn lên đến gần 95.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đã có nguồn và đang triển khai với số vốn gần 23.000 tỷ đồng (nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - giai đoạn 2, nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè - giai đoạn 2, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát).

Triều cường gây ngập nặng trên đường Huỳnh Tân Phát. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát

Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) do Trung Nam Group đang triển khai xây dựng 6 cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 25 cống nhỏ dưới đê; xây dựng 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn. Riêng dự án cải thiện môi trường nước Tp. Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 3 (tổng mức đầu tư 9.700 tỷ đồng) đã huy động được nguồn vốn.

Theo tính toán của UBND TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc 13 quận Trung tâm thành phố ( 1,3,4,5,6,7,10,11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, và các Quận 12, Bình Tân, một phần quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè). Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.

Thể hiện rõ quyết tâm chống ngập, trong đợt kiểm tra dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện nay yêu cầu chống ngập đang trở nên cấp bách. Nguyên nhân ngập không chỉ có triều cường nên các sở ngành thành phố sẽ phải triển khai đồng bộ giải pháp; thực hiện nhanh sau khi có kết luận của lãnh đạo UBND thành phố, không phải mất thời gian nghiên cứu để phối hợp với chủ đầu tư triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng các dự án chống ngập.

Kiểm soát phát triển đô thị

Quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, như thế vẫn chưa đủ nếu dự án tách rời việc kiểm soát phát triển đô thị vốn đang được thực hiện quá nóng như hiện nay.

Theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, thành phố cần kiểm soát phát triển đô thị hợp lý theo hướng thiết lập khu vực khuyến khích đô thị hóa hướng Bắc, Tây Bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn, dọc đường Xuyên Á nối tỉnh Tây Ninh) và khu vực đô thị hóa có kiểm soát hướng Đông Bắc (quận 2, 9, Thủ Đức), hướng Tây Nam dọc Quốc lộ 1 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ) trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu.

Đơn cử, thành phố cần thay đổi cách sử dụng đất theo hướng mở rộng không gian trữ nước trong quá trình tái phát triển đô thị. Tại các khu vực chịu ngập lụt thường xuyên nên chuyển đổi thành khu vực dự trữ phát triển đô thị và vùng bảo tồn môi trường. Việc phát triển đô thị cần phải trên quỹ đất đã được dự trữ theo quy hoạch, thực hiện chuẩn bị đất đai hoàn chỉnh rồi mới cấp đất cho các dự án bất động sản riêng lẻ.

Ngoài ra, thành phố cần kiên quyết chống hiện tượng xây dựng tự phát trên đất ven nội đô và dọc các tuyến đường ngoại thành cũng như ban hành quy định tỷ lệ xây hồ trong cơ cấu sử dụng đất khi cấp phép dự án để phòng trừ quá tải hệ thống thoát nước sau này cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chiến lược phát triển đô thị theo hướng phát triển về phía Nam và Đông Nam trong những năm gần đây của TP Hồ Chí Minh cần được đánh giá và cân nhắc ở nhiều góc độ khác nhau. Thích ứng với nước biển dâng, TP Hồ Chí Minh không nhất thiết phải “thẳng tiến ra biển” một cách vội vàng về mặt không gian vì như vậy dễ kéo theo định cư, đô thị hóa, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên sẵn có.

Tán thành việc tiếp tục phát triển hướng Nam ra Biển Đông nhưng Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng, ở những khu vực này cần thiên về phát triển thích nghi với biến đổi khí hậu, không nên “cưỡng bức” bởi các giải pháp kỹ thuật và nhân tạo hóa. Để hạn chế rủi ro, thành phố nên tính toán loại công trình nào, dự án nào nên được xây dựng ở đây, còn loại nào thì không nên, đơn cử như công trình có khối đế lớn, tải trọng nặng, cao nhiều tầng thì không nên xây dựng.

Anh Tuấn - Xuân Tình (TTXVN)
Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 3
Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 3

Để khắc phục vấn đề ngập lụt và gia tăng ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh, những năm qua, từ Trung ương đến thành phố đều đã có triển khai các chương trình, dự án với nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thực tế các dự án này thực hiện quá chậm, bộc lộ nhiều hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN