Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 2

Tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh đã được các nhà quản lý, chuyên gia môi trường tính toán từ lâu. Tuy nhiên, ngoài yếu tố của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, vấn đề hệ thống kênh rạch, vốn là nơi thoát nước hiệu quả nhất, bị lấn chiếm, bồi lấp, thậm chí bị "xóa sổ" đã khiến tình hình ngập trở nên ngày càng trầm trọng hơn.

NGẬP KHÔNG CHỈ TỪ THIÊN TAI
Thời tiết diễn biến bất thường

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, xảy ra ngập lụt do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Địa hình thành phố tương đối thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều xâm nhập từ biển Đông làm hạn chế khả năng thoát nước. Thành phố rộng hơn 2.000 km2 nhưng trong đó chiếm đến 41,8% diện tích có cao độ tự nhiên dưới hoặc bằng 1m so với mực nước biển.

Về mạng lưới sông, kênh, rạch, thành phố có 3.020 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài hơn 5.000 km gồm 3 hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông đóng vài trò tiêu thoát nước với 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm) nhưng đồng thời cũng là yếu tố để triều cường xâm nhập vào thành phố qua 13 cửa chính.

Một hộ kinh doanh trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) dùng các thiết bị chắn trước cửa hàng để nước khỏi tràn vào nhưng cũng không thoát. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Trong khi đó, lượng mưa gia tăng cả về tần suất và vũ lượng. Từ năm 2000 - 2014, đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 1 năm xuất hiện 3 lần), đặc biệt năm 2013 - 2014 có 3 trận mưa mà chỉ trong vòng 60 phút, vũ lượng đạt tới 100 - 122mm. Gần đây nhất mưa ngày 26/9 vừa qua đạt phổ biến từ 101 - 204,3 mm. Đối với triều cường, từ năm 1980 - 2007 đỉnh triều ở mức cao nhất chỉ đạt dưới 1,5m (tại trạm Phú An) thì từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đỉnh triều đã vượt trên mức 1,5m, tần suất xuất hiện đỉnh triều từ 2011 - 2015 lên đến 79 lần, đặc biệt có lúc đỉnh triều chạm mức 1,68m.

Những năm qua, một trong những nguyên nhân làm cho ngập đô thị tại thành phố ngày càng nghiêm trọng hơn khi xuất hiện tổ hợp mưa lớn và triều cường lên cao. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã xóa được 26/58 tuyến đường, đồng thời giảm ngập 23/58 tuyến. Tuy nhiên, đã phát sinh thêm 8 tuyến đường bị ngập do xuất hiện những trận mưa vượt tầng suất thiết kế.

Hệ thống thoát nước tự nhiên... bị khai tử

Nói về nguyên nhân chủ quan, theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước. Hiện thành phố cũng chỉ mới nạo vét được 60,3 km trong tổng số 5.075km chỉ tiêu (chiếm 1,19%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính.

Trước năm 1975, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn phục vụ cho khoảng 2 triệu người nhưng đến nay dân số thường xuyên sinh sống, làm việc tại thành phố đã đạt khoảng 13 triệu người, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên trong khi hệ thống cống thoát nước tiết diện nhỏ (toàn thành phố có 3.100 km hệ thống cống thoát nước và trên 65.500 hầm ga với tiết diện trung bình từ 600m - 800mm) chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời.

Trước tình hình mưa lớn, ngập lụt gia tăng, trong tháng 8, tháng 9 mới đây, lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp đi kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên nhiều quận huyện. Thực tế cho thấy, nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh rạch, miệng cửa xả, hố ga và tình trạng xả rác xuống kênh, rạch còn phổ biến, dẫn đến hệ thống thoát nước bị thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước, gây ngập cục bộ ở một số vị trí, khó khăn trong công tác nạo vét, duy tu. Một số công trình không được đầu tư đồng bộ như nâng cấp, mở rộng đường nhưng lại không đầu tư hệ thống cống thoát nước…

Đơn cử như rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh (tuyến chính dài 6,21km và 3 tuyến nhánh dài gần 2km, phạm vi lưu vực thoát nước 703ha) bị hơn 1.600 căn nhà lấn chiếm, cửa xả bị lấn chiếm tại vị trí nhà số 44/6 đường Phạm Văn Chiêu và tuyến rạch Trường Đai nhánh 2 tại quận Gò Vấp, kênh A41 quận Tân Bình, lấn chiếm cửa xả 5D - Kênh Đồng Tiến, rạch cầu Suối, quận 12…

Đối với kênh A41, do việc lấn chiếm đã khiến lòng kênh bị thu hẹp, nước mưa từ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không thoát kịp gây ngập bãi đỗ mỗi khi mưa lớn, kéo dài, UBND thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước phối hợp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sửa chữa các đoạn cống bị sụp, lắp đặt máy bơm để tăng khả năng thoát nước của A41, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo tuyến Mương Nhật Bản để thoát nước khu vực sân bay và khu dân cư lân cận.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao UBND quận 7 đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp, cải tạo 5 cửa xả trên đường Huỳnh Tấn Phát; đối với diện tích rạch bị san lấp tại dự án Khu dân cư Sài Gòn Mới (đã bị thu hồi), UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Nhà Bè kêu gọi đầu tư vào khu đất này đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Còn trên địa bàn quận 2, UBND thành phố giao UBND quận 2 và các đơn vị liên quan tiến hành bồi thường giải tỏa phần diện tích đất thuộc phạm vi bảo vệ cống và cửa xả, đồng thời nghiên cứu đầu tư cửa xả thay thế cửa xả số 6, nâng cao cổ của 2 máy bơm nước cửa số 3.

Tại buổi kiểm tra thực tế về tình hình lấn chiếm kênh rạch trong tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND các quận huyện tập trung giải tỏa cục bộ những điểm lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả hố ga nghiêm trọng, đặc biệt là các vị trí bị thắt nút cổ chai; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xâm hại đến kênh rạch, hệ thống thoát nước. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị được giao quản lý các tuyến cống, kênh, rạch tăng cường nạo vét, duy tu, tăng cường máy bơm, giải tỏa các chướng ngại vật cản trở dòng chảy.

Anh Tuấn - Xuân Tình
Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 4
Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 4

Để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, TP Hồ Chí Minh đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, nếu không tính đến bài toán quy hoạch đô thị đúng hướng thì các dự án chống ngập của thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, sẽ không còn nhiều tác dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN