Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh, từ ngày 19/6 đến ngày 21/6, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-19 giờ. Thời tiết nắng nóng đã khiến cuộc sống sinh hoạt, công việc của nhiều người dân bị ảnh hưởng, nhất là những người lao động phổ thông.
Đảo lộn sinh hoạt
Những người có việc phải lưu thông trên đường vào những ngày này tại Hà Nội đều có chung cảm nhận khó chịu, oi bức, rát bỏng da như bị táp lửa vào người. Mặc dù nhiều người đã trang bị quần áo chống nắng, găng tay, đeo khẩu trang, thậm chí có người phải đi cả tất chân để chống nắng nhưng vẫn không chịu nổi được ánh nắng chiếu vào người.
Tại Hà Nội, nhiệt độ tăng cao, mặt đường nhựa hấp thụ ánh nắng bốc hơi nóng gay gắt khiến người dân tham gia giao thông cảm giác khó chịu, không khí ngột ngạt, oi bức, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên đường phố, người dân tham gia giao thông tranh thủ đèn đỏ, dừng chân tránh nắng chỗ bóng râm cây xanh và trang bị nhiều cách chống nắng khác nhau khi ra đường.
Nắng nóng khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tại các chợ, hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả bán chậm hơn hẳn. Do trời nóng quá, nhiều người không muốn nấu nướng, đi chợ mua rau ít hơn. Chị Trần Thị Thúy, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho biết, vì trời nắng, lại thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chị có kế hoạch đi chợ hai ngày đi một lần.
Trên công trường xây dựng, dưới cái nắng 39-40 độ C, công nhân lao động vẫn cặm cụi làm việc, bất chấp thời tiết nắng nóng. Anh Lương Văn Lâm ở Đông Anh, Hà Nội, làm nghề xây dựng cho biết, do thời tiết nắng nóng, anh đã phải thay đổi giờ làm việc của nhóm thợ. Đẩy lịch làm buổi sáng từ 5 giờ thay vì 7 giờ như trước và chiều lịch làm việc đẩy lùi xuống 15 giờ 30 phút. Thời tiết quá nắng và nóng, người lao động ngoài trời không thể làm việc lâu. Để đảm bảo công việc hoàn thành theo đúng tiến độ và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động trong thời tiết nắng nóng, buộc phải cố gắng bắt đầu công việc thật sớm để được nghỉ sớm.
Nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao và trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã làm thay đổi sinh hoạt người dân. Đường phố vắng vẻ, người dân chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, nhu cầu dùng điện tăng cao. Anh Trần Trung Nghĩa, Tổ 6, Phường Phúc Lợi, Quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, đợt nắng nóng này, nhu cầu sử dụng điện của gia đình cao hơn những ngày bình thường do dùng điều hòa, quạt điện. Gia đình có sử dụng hệ thống ổn áp, do vậy việc sử dụng điện cũng yên tâm, hạn chế thấp nhất tình trạng chập cháy, cháy nổ do điện gây ra.
Trong những ngày này, nắng nóng cao điểm, nhiệt độ trung bình ghi nhận thường xuyên ở mức cao. Có thời điểm, nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C.
Hàng ngày, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) có khoảng 2.000 lao động làm việc trực tiếp ngoài trời. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động, Công ty đã điều chỉnh thời gian làm việc trong ngày của các đơn vị, tổ làm việc thủ công. Cụ thể, bộ phận thi công ngoài trời như: nạo vét cống ngầm, cống ngang, nạo vét mương sông, vệ sinh vớt rác, sửa chữa ga cống sẽ làm việc buổi sáng sớm hơn 1 tiếng, trưa nghỉ sớm hơn. Buổi chiều, Công ty chỉ đạo các đơn vị làm việc muộn và nghỉ muộn hơn…
Chứng kiến cảnh làm việc của công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội ngày nắng nóng mới thấy nỗi cực nhọc và sự hi sinh của những người làm nghề này. Dưới không gian cống ngầm nhỏ hẹp, nước đen ngòm bốc mùi cay, hắc cộng với các loại rác đang trong giai đoạn phân hủy khiến không khí càng trở nên ngột ngạt, oi bức… Điều này rất nguy hiểm đối với những công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ. Dù vậy, những công nhân thoát nước vẫn cần mẫn làm việc dưới trời nóng hầm hập hơn 40 độ C suốt cả ngày. Đến buổi chiều, hơi nóng phả vào mặt người bỏng rát nhưng cũng là lúc các công nhân môi trường phải ra đường làm sạch thành phố.
Cùng với đó, tại các địa phương, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao cộng với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên ở Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Tây Bắc, khu vực Bắc và Trung Bộ có nguy cơ cháy rừng cao. Nhiều vùng có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Tại Ninh Bình, cảnh báo cháy rừng đang ở cấp 3. Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt kiểm lâm và Đội Kiểm lâm cơ động tăng cường kiểm tra đột xuất và kiểm tra theo kế hoạch công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua công tác kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm kết hợp tuyên truyền để cán bộ, nhân dân các địa bàn tăng cường các biện pháp phát triển, bảo vệ rừng tại gốc; đồng thời đôn đốc, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng của các chủ rừng.
Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An đã cảnh báo cháy rừng trên địa bàn với cấp dự báo cháy rừng là cấp IV (cấp nguy hiểm) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Đồng thời, chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tập trung cao nhất, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng; cắt cử, phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ. Các đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, các chủ rừng duy trì chế độ thường trực tại các chòi canh lửa và tại đơn vị để kịp thời phát hiện, xử lý khi cháy rừng xảy ra…
Thực hiện biện pháp chống nóng, đảm bảo sức khỏe
Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là những người có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao… Những người trẻ thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, hay phải chịu áp lực công việc, cuộc sống… cũng rất dễ bị đột quỵ vào mùa hè. Theo thống kê, tỷ lệ người trẻ phải nhập viện vì đột quỵ trong mùa nắng nóng những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh.
Đề phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ngoài trời vào thời điểm trưa nắng từ 10 giờ đến 16 giờ, nếu phải làm việc, cần trang bị những biện pháp chống nóng để đảm bảo sức khỏe; cân đối giữa làm việc, nghỉ ngơi để tránh quá sức.
Đặc biệt, người dân cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Mùa nắng nóng, hệ miễn dịch sẽ gặp nhiều “thử thách”, vì vậy cần cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây tươi, không uống nhiều nước lạnh, đặc biệt là những người có bệnh tim mạch và huyết áp.
Khi sử dụng điều hòa, người dân nên bật điều hòa ở mức từ 25-27 độ C (không nên chênh lệch quá 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời). Người dân không để điều hòa thổi thẳng vào mặt, không nằm điều hòa ngay sau khi tắm vì ảnh hưởng xấu tới hoạt động của tim và huyết áp. Trước khi ra khỏi phòng, nên tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể kịp thích nghi với không khí nóng bên ngoài. Khi đi ngoài nắng về, cơ thể ra nhiều mồ hôi không nên tắm nước lạnh ngay mà phải ngồi nghỉ ngơi chừng 30 phút, để mồ hôi khô ráo, lỗ chân lông thu nhỏ lại, không giãn ra mới được đi tắm.
Bên cạnh đó, mọi người nên lựa chọn các phương pháp luyện tập trong nhà như yoga, chạy trên máy chạy bộ, tập các bài thể dục trong nhà hoặc tập lúc sáng sớm khi trời mát hay đợi buổi chiều khi trời tắt nắng, nhiệt độ ngoài trời giảm mới ra ngoài đi tập; không tập luyện quá gắng sức, xen kẽ các bài tập là thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
Để phòng tránh tác hại nắng nóng, người dân cần mặc các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai. Người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng. Cùng với đó, mọi người nên sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, từ ngày 22/6, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt chấm dứt ở Bắc Bộ và dịu dần ở Trung Bộ. Sau nắng nóng, thời tiết thường xuất hiện các hiện tượng mưa, dông vào chiều tối, trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ.