Sáng 20/7, tại họp báo công tác tư pháp quý II/2018, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, đến thời điểm này, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được hình thành và đồng bộ tại 28/63 tỉnh, thành phố, với 1.859.106 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 1.245.994 trẻ em công dân Việt Nam dưới 14 tuổi đăng ký khai sinh lần đầu được cấp số định danh cá nhân và hơn 6,9 triệu công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên hệ thống dữ liệu của Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp họp báo quý II/2018. |
Cơ sở dữ liệu này sẽ được bảo mật trên hệ thống và được cập nhật bổ sung thường xuyên để phục vụ công tác quản lý hộ tịch và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền khi cần khai thác; làm cơ sở để triển khai trên toàn quốc chủ trương cấp mã số định danh công dân.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương, bảo đảm đến năm 2019 cả 63 tỉnh, thành phố.
Về rà soát văn bản pháp luật, 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 19 điều ước quốc tế, 1.571 văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó phát hiện 39 văn bản trái pháp luật về mặt nội dung, thẩm quyền và đã yêu cầu đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tư pháp cũng đã đã rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%.
Về việc triển khai Luật Tiếp cận thông tin và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành Quy chế cung cấp thông tin cho công dân và cập nhật công khai trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ khi triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin.
Đối với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ đã ban hành Thông tư 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 kèm theo 21 biểu mẫu sử dụng quy định về: Xác định thiệt hại được bồi thường, thương lượng việc bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ…