Những hàng cây cổ thụ ở thành phố Trà Vinh đang có chiều hướng chết dần cần được chăm sóc. Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN |
Qua khảo sát và kết luận của các chuyên gia Viện cây xanh của Úc, Trường Đại học Nông – Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và các Viện chuyên ngành của Việt Nam, nguyên nhân là do bị bê tông hóa khi xây dựng vỉa hè đường phố, phương pháp chăm sóc chưa đúng cách, không phù hợp với độ tuổi của cây, làm hạn chế sự quang hợp, hút nước,… dẫn đến cây có có sức sống kém.
Theo Ông Diệp Văn Thạnh, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, để bảo vệ cây cổ thụ, gìn giữ cảnh quan xanh, đẹp, UBND thành phố Trà Vinh đã kiến nghị UBND tỉnh cho lập dự án bảo dưỡng cây cổ thụ từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Đồng thời, UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hữu quan từng bước ngầm hóa hệ thống điện, dây cáp trên các tuyến đường trung tâm thành phố để đảm bảo sự phát triển của cây và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Mặt khác, công tác quản lý cây xanh giữa thành phố và ngành điện lực cần có sự thống nhất, tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp cây xanh bị chặt đọt. Trong thời gian tới, những công trình của điện lực được thực hiện mới cần tránh cây xanh đã trồng trước; ngược lại, khi trồng cây xanh mới cần tránh đường dây điện, tránh tình trạng chặt đọt cây xanh như vừa qua.
Thành phố Trà Vinh được đánh giá là thành phố xanh nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên 59 tuyến đường nội ô thành phố hiện có hơn 13.690 cây xanh tạo bóng mát và cho hoa; trong đó, có khoảng 800 cây cổ thụ sao, dầu và me đã hơn 100 tuổi.