Trong những ngày qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành thay thế cây mỡ đã trồng vào đầu tháng 3 tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây lát hoa. Theo đúng quy trìnhTừ 1/8, những cây lát hoa đã được trồng thay thế cây gỗ mỡ bị chết hoặc quá còi cọc trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Anh Nguyễn Văn Tùng, nhân viên cửa hàng 54 Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Mấy ngày nay, dù trời mưa nhưng vẫn thấy công nhân cưa và đánh gốc cây gỗ mỡ, để thay thế bằng cây lát hoa. Chúng tôi hy vọng đường Nguyễn Chí Thanh sẽ lại xanh mát như xưa, chứ như mấy ngày nóng tháng 6 thật là kinh khủng”.
Cây lát hoa được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh |
Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Giống cây lát hoa được lấy từ nhiều nguồn và được chọn kỹ. Cây có đường kính thân từ 15 - 18 cm, cao 6 - 8m. Nếu phát triển tốt thì khoảng 3 - 5 năm sẽ có bóng mát. Rút kinh nghiệm từ trồng cây mỡ, Sở yêu cầu đơn vị thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo đó, 247 cây lát hoa sẽ được tiến hành trồng thay thế các cây gỗ mỡ”.
Riêng với tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, trước khi tiến hành trồng lại, Sở đã khảo sát hiện trạng, theo đó số cây hiện có là 375 cây, gồm 9 loại cây. Một số cây thuộc chủng loại đa, sữa… bị hư hại, mối sẽ được thay thế. Tuy nhiên, số cây này sẽ thay theo lộ trình, không làm đồng loạt như đầu năm 2015.
Theo ông Đặng Văn Hà, Viện phó Viện Kiến trúc cảnh quan nội thất (Đại học Lâm nghiệp), đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trồng 247 cây lát hoa tại phố Nguyễn Chí Thanh; việc trồng cây lát hoa vào mùa này là hoàn toàn đảm bảo kỹ thuật, đáp ứng điều kiện sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, đây là mùa mưa bão, nên sau khi trồng phải chống chằng cẩn thận. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì cây sẽ phát triển.
Còn ông Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết: Từ các cây xanh đô thị được đưa ra, các nhà khoa học lựa ra 5 cây chính: Sấu, dầu rái, sao đen, hương vườn, lát hoa. Mỗi cây có đặc tính riêng nhưng vào thời điểm này, trồng lát hoa phù hợp nhất.
“Ba vấn đề được Sở rút kinh nghiệm từ việc trồng cây xanh tháng 3/2015 là phải lựa chọn, rà soát lại tất cả các cây trên các tuyến đường, tuyến phố để biết loại cần thay; việc thay thế cây không phù hợp cũng phải có lộ trình, chứ không phải làm một lúc; tiếp đến là ưu tiên trồng các cây ở ô trống bởi theo khảo sát còn nhiều ô trống, trên các tuyến đường chưa trồng cây xanh; cuối cùng là xây dựng dữ liệu cây xanh quản lý. Sở Xây dựng đang thực nghiệm tạo dữ liệu số với từng cây để nắm rõ tên, tình trạng sinh trưởng và qua đó sẽ xử lý kịp thời khi người dân báo có sự cố”, ông Võ Nguyên Phong khẳng định.
Trồng cây cho đời sauNhận xét về việc thay thế cây trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật (Liên hiệp hội khoa học Việt Nam) cho rằng: Trồng cây xanh tại khu vực đô thị là trồng cho đời sau, không chỉ tạo cảnh quan mà đó tiêu chí đánh giá về chất lượng cuộc sống khu đô thị. Việc lựa chọn loại cây nào còn phụ thuộc vào đặc điểm từng tuyến phố. Đơn cử như phố chặt hẹp thì chọn bằng lăng, sao đen sẽ hợp hơn do tán cây hẹp. Tuy nhiên những tuyến phố lớn nên trồng những cây có tán rộng. Tuyến phố Nguyễn Chí Thanh chọn cây lát hoa là giải pháp tình thế phù hợp với thời điểm hiện nay do cây mọc nhanh, tán rộng và chống chịu được với gió bão.
“Cây lát hoa đã trồng tại một số tuyến phố ven nội thành Hà Nội và thích nghi tốt. Tuy nhiên, việc trồng cây xanh phải đúng quy trình như hố rộng 2 m, vét hết đất cát xây dựng, đổ đất thịt và bón lót phân phía dưới. Khi trồng phải rạch bầu để rễ nhanh phát triển, bám vào đất. Nếu trời khô hanh phải tưới nước thường xuyên khi cây đâm trồi mới. Thực tế đúng như dự đoán của các nhà khoa học, cây mỡ tuyến đường Nguyễn Chí Thanh phần lớn không sống được do không thích hợp với môi trường đô thị”, ông Nguyễn Tiến Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, trồng cây thích hợp nhất là vào mùa xuân, nhưng tháng 8 cũng có thể trồng được nếu đảm bảo đúng quy trình. Nếu ở rừng, cây lát hoa có tuổi thọ trăm năm và ít bị gãy đổ trong mùa mưa bão.
Cùng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn, trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng việc trồng cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội gắn với hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống ngầm. Thực tế qua đợt dông lốc gần đây cho thấy, các cây ở mặt phố gãy đổ nhiều, trong khi cây xanh ở khu vực vườn hoa, công viên lại phát triển ổn định và ít gãy đổ. Lý do là ngoài yếu tố thổ nhưỡng, thì đây là khu vực nền đất ít bị xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến bộ rễ nên khả năng chống chịu gió bão tốt.