Trao đổi bên lề Quốc hội sau hai ngày chất vấn Tư lệnh bốn ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học – Công nghệ, Giáo dục – Đào tạo và phần giải trình thêm của Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết khá hài lòng với đợt chất vấn và trả lời chất vấn này.
Phiên chất vấn bốn bộ trưởng đã qua, ông nhận xét như thế nào về phần trả lời của các bộ trưởng?
Trọn vẹn hai ngày chất vấn, câu hỏi của các đại biểu rất gọn, đã bám vào trọng tâm, thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại biểu nhưng tiếc là do thời gian có hạn, trong khi số lượng công việc đặt ra rất nhiều nên thường mỗi vị thành viên chính phủ đăng đàn vẫn còn hơn một chục đại biểu chưa được đặt câu hỏi.
Về kết quả trả lời, tôi cơ bản hài lòng. Các thành viên chính phủ khi trả lời đã bám vào trọng tâm song cũng còn một vài lúc tôi thấy nếu như trả lời cụ thể hơn, gọn hơn, đi vào trọng tâm hơn thì có lẽ sẽ có thêm thời gian để được nghe nhiều đại biểu đặt vấn đề và chắc chắn là cử tri sẽ hài lòng hơn khi nghe được nhiều nội dung giải đáp hơn. Tôi thấy tiếc là như vậy.
Nếu chấm điểm các bộ trưởng, ông cho điểm thế nào? Bộ trưởng nào khiến ông hài lòng và bộ trưởng nào khiến ông thất vọng ?
Trước hết, tôi đồng tình với đánh giá, nhận xét sau mỗi phiên chất vấn các thành viên chính phủ của Chủ tịch Quốc hội. Giải đáp được nhiều, đi được vào trọng tâm tôi thấy có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: trao đổi được rất nhiều nội dung và nói thẳng vào các vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ lần đầu tiên đăng đàn và trả lời. Tôi cũng rất chia sẻ với bộ trưởng. Nội dung chất vấn rất rộng và đặc biệt là những nội dung này lần đầu tiên mới trả lời nhưng bộ trưởng cũng cố gắng làm cho rõ thêm vấn đề. Không thể trách bộ trưởng nói dài được bởi lẽ khoa học công nghệ là mảng rất lớn và người nghe ở lĩnh vực này là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, họ rất kỳ vọng và lắng nghe.
Đặc biệt, tôi quay lại nhận xét của Chủ tịch Quốc hội. Tôi cũng nghe một vài đại biểu phàn nàn Chủ tịch Quốc hội nhận xét hơi dài. Tôi không cho là như vậy bởi lẽ Chủ tịch Quốc hội tổng kết đánh giá lại từng việc, từng vị bộ trưởng, giao trách nhiệm rõ cho từng bộ trưởng.
Bên cạnh đó, khi tổng hợp lại như vậy, cử tri trong cả nước cũng muốn nghe để tóm lược, hệ thống lại vụ việc vì có khi người ta không ngồi nghe xuyên suốt tòa phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội không chỉ nói kết luận ở tại hội trường mà cho cử tri cả nước, do vậy buộc phải nói dài, nói kỹ hơn và giao trách nhiệm rõ hơn từng vị bộ trưởng.
Lĩnh vực quá rộng mà áp lực câu hỏi đặt ra rất nhiều, khá nhiều câu hỏi khó, do vậy đánh giá qua một chất vấn để nói thất vọng về một bộ trưởng nào thì tôi xin được miễn bình luận và tôi đồng tình với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.
Trong các câu hỏi đã được trả lời, câu nào khiến ông thấy không thỏa mãn, nhất là các câu hỏi do ông đặt ra?
Tôi đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn hai câu chất vấn và tôi đã chuẩn bị cho Bộ Khoa học – Công nghệ hai câu nhưng rất tiếc tôi không tới lượt để chất vấn. Nếu như tôi được chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ thì ngoài những câu hỏi mà đại biểu đặt ra, tôi sẽ xoáy sâu vào vấn đề kỷ luật hành chính chưa nghiêm.
Ví dụ như việc thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP của chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, còn đến 24% nghĩa là khoảng 150 cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc.
Kỷ luật chưa nghiêm này trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu ngành và lãnh đạo của từng bộ, từng địa phương nơi có cơ sở khoa học, công nghệ công lập. Vấn đề này phải sớm làm mặc dù bộ trưởng có nêu là cuối năm điều chỉnh nghị định; phải làm quyết liệt, dù có muốn chuyển đổi nữa cũng phải xử lý cho nghiêm những người không thực hiện, như vậy kỷ luật hành chính mới đảm bảo.
Ông muốn nói gì với các bộ trưởng về việc thực hiện lời hứa sau kỳ chất vấn này?
Không riêng gì đại biểu Quốc hội mà tôi nghĩ cử tri, các đại biểu dân cử của cả nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này.
Tôi cũng mong và kỳ vọng các bộ trưởng là thành viên chính phủ tiếp tục thực hiện lời cam kết của mình và chúng tôi sẽ có trách nhiệm tiếp tục giám sát. Như những lần trước đây, tôi thường chất vấn, sau đó tiếp tục giám sát phần trả lời của bộ trưởng.
Ông có ý kiến gì về phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với việc Hà Nội chặt cây xanh, gây xôn xao dư luận ?
Tôi đã xem gần như toàn văn kết luận của thành phố Hà Nội, tôi nghĩ vấn đề này thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng của thành phố, phải xử lý cho đến nơi, đến chốn, xử lý không nghiêm sẽ tạo tiền lệ cho các địa phương khác.
Kỷ luật nghiêm để rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo điều hành của từng lĩnh vực, trực tiếp những người sai sót biết sai ở chỗ nào, phải sửa, tôi nghĩ phải làm cho sâu.
Trong phần trả lời, Phó Thủ tướng có nói hành lang an toàn cho tuyến đường sắt trên cao là 15m, ông thấy có thỏa đáng?
Tôi cũng không nắm hết các quy chuẩn. Việc Phó Thủ tướng viện dẫn như vậy tôi nghĩ có lẽ cũng theo quy định nghiêm ngặt trong không gian cũng như hành lang an toàn, không phải dẫn chứng nói “suông”.
Giao thông bình thường hay đường sắt cũng phải có hành lang an toàn. Thời gian qua chúng ta thực hiện quy hoạch chưa lường hết được. Kể cả hiện nay, ta thấy nhiều tai nạn giao thông thảm khốc do không an toàn về hành lang, kể cả điện cũng vậy, tai nạn đường dây điện cao thế xảy ra là do mất an toàn về hành lang.
Trân trọng cảm ơn ông!