Bắt đầu phiên chất vấn các Bộ trưởng

Sáng 11/6, Quốc hội khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Theo chương trình, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều khiển phần chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá việc lựa chọn 4 bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này là sự lựa chọn đúng, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.

Trong đà tăng trưởng, nền kinh tế có sự phục hồi rõ nét những vẫn còn tồn tại những vấn đề yếu kém, làm ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, 4 Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng đàn trả lời các vấn đề quan trọng của đất nước tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu Quốc hội cần đặt các câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ ràng, không bình luận làm khó cho người trả lời.

Trong phần trả lời, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nói thẳng vào vấn đề, nội dung rõ ràng, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, trách nhiệm và có lộ trình thực hiện. Chủ tịch Quốc hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước.

Hơn 2.500 kiến nghị gửi đến Quốc hội

Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Theo Báo cáo, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý những kiến nghị trùng lặp, còn 2.108 kiến nghị đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Đến trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.108/2.108 kiến nghị, đạt 100%.

Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có 123 kiến nghị, tập trung vào việc tiếp thu hoàn thiện 18 luật, 1 nghị quyết xem xét, thông qua; 12 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, phải kể đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp để hoàn thiện các dự án Luật, nhất là những bộ luật lớn như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.

Quốc hội tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề; trong đó, có việc giám sát về tình hình oan sai… góp phần bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Quốc hội tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề cử tri quan tâm và đã ban hành nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn. Việc lựa chọn nội dung giám sát đúng và trúng; tổ chức hoạt động giám sát được tiếp tục cải tiến; các kiến nghị thông qua hoạt động giám sát rõ ràng hơn, cụ thể hơn; quan tâm nhiều hơn đến giám sát việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 32 kiến nghị, tập trung vào các biện pháp nâng cao chất lượng truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vừa được Quốc hội thông qua; lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có 1.943 kiến nghị, đã tập trung vào việc ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; chính sách phát triển thủy sản; chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi; chính sách tiền tệ với tăng trưởng tín dụng xanh; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo...

Đang nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết về hướng dẫn Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; cải cách chính sách tiền lương; đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản;... giải trình, cung cấp thông tin với cử tri về chính sách phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; chế độ hưởng bảo hiểm y tế; đầu tư nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; bình ổn giá sữa và một số mặt hàng thiết yếu;...

100% kiến nghị được xem xét, giải quyết


Báo cáo đã nêu rõ một số nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Cụ thể, về vấn đề bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước xây dựng các công trình thủy điện, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát việc thực hiện các dự án thủy điện.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Theo đó, đã loại bỏ 439 dự án; xem xét thu hồi chủ trương đầu tư 47 dự án; không đưa vào quy hoạch 178 vị trí tiềm năng; gia hạn có thời hạn 13 dự án.

Các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát thực tế đời sống người dân tái định cư; trên cơ sở đó, đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La; Huội Quảng, Bản Chát (Lai Châu), phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà; xem xét, giải quyết vướng mắc về di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang; Bản Vẽ, Hủa Na (Nghệ An); Đồng Nai 3 (Đăk Nông), An Khê - Ka Năk (Gia Lai)...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, với nhiều nội dung mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, trong đó có chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư.

Đối với sản xuất và đời sống của ngư dân, cùng với việc thực hiện các chính sách đã ban hành, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; ban hành chính sách mới về phát triển thủy sản; dành kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân; nâng kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá từ năm 2015 - 2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2014; thực hiện tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu; chi phí đào tạo thuyền viên; thực hiện chính sách ưu đãi về thuế…

Đến nay, 23/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với 818 tàu trên 400 CV. Trong đó, các địa phương đóng mới 731 tàu, nâng cấp 87 tàu; đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu, với tổng số tiền 525 tỷ đồng; cho vay vốn lưu động đối với 89 khách hàng tại 7 tỉnh, với gần 24 tỷ đồng; thực hiện bảo hiểm đối với 1.837 tàu trên 90 CV và 23.604 thuyền viên, với tổng số phí 46,286 tỷ đồng; tổng giá trị được bảo hiểm 2.983,687 tỷ đồng; đào tạo nghề cho khoảng 86.540 ngư dân; thành lập 3.400 tổ đội và 64 nghiệp đoàn nghề cá.

Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, Quốc hội đã quyết định bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 15.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2011-2013.

Chính phủ đã có nhiều chính sách huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển..., với mức đầu tư cao hơn ít nhất 2 lần so với các xã khác; rà soát, điều chỉnh một số tiêu chí về nông thôn mới; ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương không được huy động quá sức dân...

Đến nay, 97% số xã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% số xã được phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất; bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38% tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 2,13 tiêu chí so với năm 2013, không còn xã trắng tiêu chí; 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 8,8% và 4 đơn vị cấp huyện gồm: huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh (Đồng Nai); huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) có toàn bộ số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong thời gian qua, Nhà nước đã huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; tập trung cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch; xây dựng cầu dân sinh ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã và đang xây dựng 187 cầu treo dân sinh. Các cơ quan chức năng tích cực thanh tra, kiểm tra, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng công trình.

Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Về chính sách tín dụng, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ để phát triển; ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn.

Đối với địa bàn nông thôn, Chính phủ đã rà soát tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; triển khai nhiều chương trình tín dụng mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của các loại hình doanh nghiệp và của từng địa phương; ban hành các quy định tín dụng đối với một số đối tượng đặc thù với thủ tục cho vay đơn giản hơn; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ; yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất cho vay hiện hành; mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản.

Tính đến cuối tháng 5/2015, ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần.


Quỳnh Hoa – Nguyễn Cường (TTXVN)
Thông cáo số 12 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Thông cáo số 12 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Quốc hội sáng 4/6 họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chỉ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN