Có những cây xanh bị đổ a xít, nước nóng vào gốc để… cây chết; có cây bị đổ bê tông bịt kín cả rễ; có cây bị đóng đinh, chăng dây khiến thân cây đầy vết sẹo nham nhở… Tất cả chỉ là vì người dân muốn tận dụng vỉa hè cho mục đích kinh doanh, muốn cửa nhà mình “sạch sẽ”, rồi kể cả việc một số cơ quan chức năng thi công các công trình công cộng… Thân phận cây xanh Hà Nội thật khổ trăm bề.Cây xanh khổ trăm bềNhư nhiều địa phương khác, với người dân Thủ đô, cây xanh từ lâu đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Cây là nơi cho bóng mát những ngày hè, đồng thời góp phần tạo cảnh quan đô thị. Nhưng với nhịp sống đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh, nhiều người dân lại đang vô tình hay cố ý, đã lấn chiếm, bức tử những cây xanh bên vệ đường.
Cây xanh bị trát xi măng quanh gốc. |
“Người dân treo các biển quảng cáo, đóng cọc, cuốn dây lên thân cây; mở hàng quán, nhóm bếp than ngay sát gốc cây, rồi chặt rễ cây khi xây nhà, đào đường, sửa cống, làm ảnh hưởng đến cây cối… Cây ở Hà Nội ít cây sống hạnh phúc lắm”, chị Hồng Ngọc (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) chua chát chia sẻ.
Quả thật, nhan nhản trên các tuyến phố ở Hà Nội, như phố Phạm Ngũ Lão, Điện Biên Phủ, Đội Cấn, Chùa Láng… nơi đâu cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh xi măng bít kín gốc cây. Rồi bếp than tổ ong, bếp nướng ra sức hun khói cho đến khung sắt rào chắn. Chưa kể đến những mảng bê tông và cả những chậu cây cảnh… bủa vây tứ phía, khiến cây xanh “ngộp thở”.
“Tình trạng đổ xi măng vào gốc cây diễn ra khá phổ biến, vì người dân muốn tận dụng luôn khoảng đất xung quanh gốc cây để phục vụ cho sinh hoạt gia đình hoặc kinh doanh. Trên phố Đội Cấn, đoạn gần cắt phố Giang Văn Minh là một ví dụ, gần như gốc cây nào cũng được lát xi măng kín mít để kê bàn bán hàng, để đặt bếp nấu ăn, rồi kê ghế ngồi cho người già, trẻ em hóng phố buổi tối. Việc này thật sự nguy hiểm bởi dù việc trát xi măng không làm cây chết ngay, nhưng lâu dần khả năng phát triển của cây sẽ không còn nữa và cây sẽ mục ruỗng”, anh An Trung (Hà Đông) cho biết.
“Để thuận tiện kinh doanh, thoáng mặt tiền, trước đây, có những hộ mặt phố triệt hạ bằng cách đổ nước sôi, dầu máy vào gốc cây, để cây chết dần chết mòn. Thậm chí có đơn vị phun thuốc hóa học cho cây trụi lá, sau đó lấy lý do cây chết để xin chặt hạ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu, thời tiết ngày càng nắng nóng, nên tình trạng cố tình triệt hạ cây như trước đã giảm nhiều so với trước”, đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết.
Trách nhiệm từ mọi ngườiTheo ông Phan Thanh Giang, kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị, Nghị định 64/2010 của Chính phủ đã quy định rõ: Cộng đồng dân cư, người dân trong khu vực có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cây xanh ở đường phố trước cửa nhà mình. Và lâu nay, việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở các đô thị, trong đó có Hà Nội, được triển khai theo hướng này.
“Để bảo vệ cây xanh Hà Nội, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức có vai trò quan trọng, nhất là những người dân ở khu vực có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành, trong đó đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp phường bởi việc chặt cây, di dời, đánh chuyển đều phải có ý kiến xác nhận của chính quyền cơ sở”. Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp: Việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong môi trường đô thị có những đặc thù riêng. Chính vì vậy, nếu phó mặc hoàn toàn công tác chăm sóc cây xanh tại Hà Nội cho những nhà dân có cây trước cửa nhà như lâu nay là chưa phù hợp. “Thực tế cho thấy, không có chế tài nào xử lý việc xâm hại cây xanh, cũng không có những yêu cầu bắt buộc với việc chăm sóc cây xanh. Hiện nay, người dân nào có ý thức thì sẽ chăm sóc cây chu đáo, còn ngược lại sẽ tận dụng để làm chỗ kinh doanh như đóng đinh, chăng dây, quấn đèn led… Về lâu dài, việc này sẽ tác động không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây. Đó là chưa kể việc chặt, tỉa hạ tán nếu không làm đúng cách, phun thuốc thì cây xanh cũng có nguy cơ bị bệnh, chết dần chết mòn. Đối với các nước phát triển, việc trồng cây và chăm sóc cây đòi hỏi chuyên môn riêng biệt như phải trồng cây bằng giá thể (hỗn hợp giữa nước và các chất), thậm chí xây dựng bể và ống dẫn để rễ cây quấn vào để không bị xâm hại và trụ vững trong mùa mưa bão”, TS Tùng chia sẻ.
Trước thực tế hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, đánh mã số cây xanh trên địa bàn làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý cây xanh đô thị, từ đó tăng cường quảng lý, bảo vệ chăm sóc cây xanh. “Đây như là hồ sơ “lý lịch” từng loại cây, với việc quản lý bằng công nghệ thông tin, bản đồ cây xanh sẽ giúp minh bạch thông tin và để mọi người dân cùng giám sát”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Xuân Minh - Anh Minh