Có chặng bay lên tới 10 triệu đồng/vé khứ hồi nội địa
Trên trang web bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Aiways... giá niêm yết vé máy bay đã bao gồm thuế, phí các chặng bay như: Hà Nội - Buôn Mê Thuột hay TP Hồ Chí Minh - Vinh... lên tới 4 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chặng trọng điểm du lịch hút khách Hà Nội - Côn Đảo có giá vé chạm mốc 10 triệu đồng/vé khứ hồi.
Hai tháng cao điểm du lịch hè từ tháng 7 - 8, nhu cầu người dân tăng cao đột biến, các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất... luôn trong tình trạng quá tải, hành khách chen chân, đông nườm nượp, khiến giá vé máy bay từ các tỉnh miền Bắc tới các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc... liên tục tăng theo giờ, nhưng vẫn kín chỗ.
Qua tìm hiểu, nếu hành khách đặt vé máy bay sớm trước 3 - 4 ngày, chặng Hà Nội - Pleiku có giá dao động 3,3 - 3,8 triệu đồng ở tất cả các hãng; chặng Hà Nội - Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) có giá thấp nhất là 3,7 triệu đồng khi bay Vietjet Air, còn nếu bay Vietnam Airlines hoặc Bamboo Airway, hành khách phải trả khoảng 4,8 - 5,5 triệu đồng.
Nhiều người dân chia sẻ, cảm thấy ngỡ ngàng, choáng váng với giá vé máy bay tăng nhanh. Đơn cử, bay Vietjet từ TP Hồ Chí Minh về Thanh Hóa, đặt giữa tuần giá 2,7 triệu đồng/lượt, sau đó đặt chiều ngược lại đã tăng lên 3,1 triệu đồng/lượt. Chặng Hà Nội - Côn Đảo ghi nhận giá vé chạm mốc 8,5 - 10 triệu đồng/khứ hồi của hai hãng Bamboo Airway và Vietnam Airlines, còn một số chuyến bay về, hành khách không có vé bay thẳng, mà phải nối chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Tương tự, từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo hiện nay, hành khách phải tốn bình quân khoảng 3,6 - 4 triệu đồng; nếu bay đến Vinh, giá vé thấp nhất là 4,2 triệu đồng vé Vietjet Air, từ 5 - 6,3 triệu đồng vé Bamboo Airways, Vietnam Airlines; chặng TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng cũng có giá vé từ 3,5 - 4,2 triệu đồng Vietjet Air, từ 4 - 5,5 triệu đồng Bamboo Airway, Vietnam Airlines...
Chị Nguyễn Thanh Hồng, nhân viên đại lý đặt vé máy bay Vietnam Airlines cho hay, gần đây nhiều hành khách phản ánh giá vé máy bay lên quá cao. Những chặng bay đến các thành phố du lịch, khách hàng hiểu đang trong thời điểm mùa hè, nên ít than phiền hơn, nhưng giá vé vẫn cao đột biến so với thời điểm mở cửa hàng không trở lại, cũng như so với thời điểm trước dịch. Nhiều hành khách có nhu cầu về quê thăm thân, đi công tác, không phải đi du lịch đều bất ngờ vì giá vé tăng cao và đều phải cân nhắc tạm hoãn.
Thực tế, ngoài nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh trong dịp cao điểm hè, giá xăng dầu tăng phí mã hiện nay chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các hãng hàng không, nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí kinh doanh của ngành Hàng không. Vì vậy, các hãng hàng không đã phải tăng giá vé máy bay để cân đối chi phí vận chuyển.
Điều chỉnh giá trần vé máy bay
Trong bối cảnh này, các hãng hàng không đều đề xuất nới trần giá vé máy bay nội địa để bảo đảm hành khách không phải mua giá vé máy giá cao hiện nay.
Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, giá vận chuyển hàng không nội địa đang thực hiện theo Thông tư 7/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Tại thời điểm này, giá trần vé máy bay nội địa được xây dựng trên cơ sở giá nguyên liệu xăng, dầu 80 USD/thùng, trong khi đó, giá nguyên liệu suốt thời gian vừa qua neo ở mức khoảng 160 USD USD/thùng. Mức giá vé máy bay đang cao so với thời điểm xây dựng giá trần vé máy bay nội địa trước đây.
Do vậy, hãng đề xuất nới trần giá vé máy bay sát thực tế, theo thị trường để giúp hàng không nới biên độ dao động của giá và có thêm cơ hội khai thác, phục vụ hành khách ở nhiều phân khúc.
Trước lo ngại các hãng hàng không có thể “bắt tay” tăng giá khi nới trần giá vé, đại diện Vietravel Airlines nhận định, khó có thể xảy ra việc này, vì doanh nghiệp phải cạnh tranh thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả dịch vụ; trong đó, có giá vé máy bay. Nếu đẩy vé giá cao, khách đã không bay, hãng cũng khó tồn tại.
Ở góc độ các chuyên gia, TS. Lê Đăng Doanh đồng tình với việc nên điều chỉnh giá trần vé máy bay cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa sẽ góp phần hạn chế tăng giá vé. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá vé rẻ kích cầu.
Theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, giá vé bay có mức tăng từ 2,2 - 6,6% tùy theo các chặng bay. Cụ thể, đối với cự ly từ 500 đến 850 km, giá trần hiện là 2,2 triệu đồng thì mức đề xuất mới là 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%); cự ly từ 850 đến 1.000 km, giá hiện 2,79 triệu đồng, mức đề xuất tăng 2,89 triệu đồng (tăng 3,5%); cự ly từ 1.000 đến 1.280 km, giá trần hiện là 3,2 triệu đồng, mức đề xuất là 3,4 triệu đồng (tăng 6,2%); cự ly từ 1.280 km trở lên giá trần hiện 3,75 triệu đồng, mức đề xuất tăng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).
Hiện nay giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm, Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.