Giá trần không còn phù hợp
Quy định về trần giá vé máy bay được ban hành tại Thông tư 17 có hiệu lực từ năm 2019, thời điểm giá nhiên liệu còn thấp, khoảng 70 - 80 USD/thùng. Các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều cho rằng mức giá trần này hiện không còn phù hợp, vì nhiên liệu hàng không hiện đã tăng gấp đôi và chưa có dấu hiệu dừng.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà, Thông tư 17 được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay giữa năm 2019 ở mức 80 USD/thùng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau hai năm đại dịch và những bất ổn từ xung đột Nga – Ukraine, giá xăng máy bay Jet A1 đã tăng vọt lên mức 160 – 170 USD/thùng, có lúc còn vượt 200 USD/thùng. Vì vậy, mức giá trần vé máy bay cũ không còn phù hợp. Do đó, cần nới giá trần để đảm bảo thị trường vận tải hàng không nội địa tính cạnh tranh lành mạnh, cũng như tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu thực tế, việc nâng giá trần vé máy bay không đồng nghĩa với việc giá tất cả loại vé máy bay đều tăng lên và số hành khách đi máy bay ít hơn. Trên cùng một chuyến bay, giá của hai vé có thể chênh lệch nhau nhiều hoặc ít tùy thuộc vào hạng thương gia hay hạng phổ thông, đặt mua sớm hay muộn. Đại diện các hãng hàng không cho hay, nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần như cũ, nguồn thu từ bán vé máy bay sẽ khiến các hãng không đủ bù đắp chi phí, thậm chí ngừng bay.
Còn theo lãnh đạo Bamboo Airways, Việt Nam nên bỏ giá trần vé máy bay, vì đây là rào cản với sự phát triển của ngành Hàng không. Việc điều hành giá nên tuân theo cơ chế thị trường, để có thêm lựa chọn cho hãng hàng không trong kinh doanh.
Tương tự, Vietjet Air là hãng hàng không có chi phí vận hành, cũng như giá vé rẻ, nhưng hãng cũng đề xuất nâng giá giá vé trần cho phù hợp với mức giá xăng dầu tăng cao hiện nay.
Điều chỉnh như thế nào?
Tại hội thảo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Đinh Việt Thắng cho hay: Các hãng hàng không dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền, nhưng do giá xăng dầu tăng phi mã hiện nay, doanh thu của các hàng hàng không nội địa vẫn chưa bù đắp được chi phí. Ước tính, các hãng hàng không vẫn "gánh lỗ" gần 100 tỷ đồng/tháng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới; đồng thời, đề xuất Bộ GTVT xem xét, giảm thuế môi trường, xăng dầu để hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng hàng không.
Về thực tế trên, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đề xuất nâng hoặc bỏ giá trần vé máy bay thời điểm này là hợp lý, vì thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có nhiều hãng hoạt động cạnh tranh, hãng nào nâng giá lên cao quá sẽ mất khách hàng.
Nhiều chuyên gia hàng không cũng đồng tình với đề xuất nới lỏng cơ chế giá trần vé máy bay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bứt tốc phục hồi về mức trước dịch. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không cho rằng, nên áp dụng quy định pháp luật để quản lý vấn đề này thay vì cơ chế giá trần. Nếu sau khi bỏ giá trần mà giá vé tăng cao, hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác hoặc chọn đi du lịch ở địa điểm khác...
Trước lo ngại việc điều chỉnh mức giá trần vé máy bay đồng nghĩa với tăng giá vé máy bay đồng loạt, các hãng hàng không nội địa thông báo, cơ chế này sẽ chỉ hỗ trợ linh hoạt giá bán, nhằm giãn biên độ dải vé phù hợp với thị trường, giúp các doanh nghiệp hàng không chủ động điều chỉnh kịp thời khi giá nhiên liệu biến động.
"Với đặc thù của ngành Hàng không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, với nhiều dải giá từ mức thấp đến cao tùy thuộc điều kiện vé, thời điểm xuất vé và điều kiện thị trường, đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa là phù hợp. Với mức giá dầu Jet A1 và trần giá vé như hiện nay, không hãng hàng không nào cân đối được chi phí, kể cả các hãng hoạt động theo mô hình chi phí thấp”, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.