Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch. Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển giết mổ lợn trong vùng dịch, tăng cường khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và thuốc sát trùng đối với cơ sở, hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế người và phương tiện ra, vào vùng dịch...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của địa phương, tập trung vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Các địa phương nơi đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi cần tích cực chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, hạn chế giết mổ lợn trong vùng dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch để tránh làm lây lan, phát tán mầm bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo dịch bệnh về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện, tỉnh để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để dịch bệnh lây lan gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
*Tại tỉnh Quảng Nam, huyện miền núi biên giới Nam Giang là địa phương thứ 13 của tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và ngày 11/6, huyện này đã công bố dịch và triển khai biện pháp ngăn dịch bệnh lây lan tới các xã biên giới.
Trước đó, tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Tà Bhing, chính quyền địa phương ghi nhận trường hợp lợn chết dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiêu hủy 30 con lợn. Huyện Nam Giang đang thực hiện tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, thành lập tổ chốt chặn, tổ tuần tra lưu động kiểm tra vận chuyển lợn và thịt lợn ra vào địa bàn huyện. Hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn huyện vẫn tiếp diễn nếu tập quán chăn nuôi lợn thả rông với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc không được kiểm soát tốt.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang Nguyễn Đăng Chương cho biết, lực lượng liên ngành của huyện đang kiểm tra việc vận chuyển lợn trên các tuyến giao thông chính đi qua huyện như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14B. Các điểm giết mổ được yêu cầu ký cam kết về tiêu thụ nguồn gốc lợn rõ ràng; phối hợp với Đồn Biên phòng, doanh nghiệp triển khai biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, tỉnh có 577 hộ tại 139 thôn của 64 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn tiêu hủy là 2.237 con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện tại các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Trang trại nuôi lớn lớn của tỉnh vẫn đảm bảo an toàn.
Tỉnh Quảng Nam chi khoảng 6 tỷ đồng mua 35.000 lít hóa chất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 10.000 lít hóa chất, đảm bảo cung cấp đủ cho các địa phương phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương thống kê hộ chăn nuôi bị thiệt hại bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, niêm yết danh sách công khai làm căn cứ hỗ trợ người dân thời gian tới.
*Tính đến ngày 11/6, trên địa bàn tỉnh Sơn La, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 149 thôn, bản, tiểu khu của 57 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố; trong đó, xã Mường Cai, huyện Sông Mã và thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên đã công bố hết dịch nhưng sau đó tái phát sinh lợn bệnh.
Theo bà Dương Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiêp huyện Bắc Yên, nguyên nhân của việc tái phát dịch tả lợn châu Phi là do địa bàn huyện rộng giáp ranh với nhiều địa phương, có Quốc lộ 37 chạy qua, vì vậy việc kiểm soát nguy cơ dịch bệnh từ các địa bàn giáp ranh gặp khó khăn. Các hộ chăn nuôi không tập trung hay thả rông, chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó khăn cho công tác theo dõi, tổ chức, giám sát và phòng, chống dịch bệnh. Nhận thức của người dân về dịch bệnh còn hạn chế, một số hộ có gia súc bị nhiễm bệnh còn giấu gia súc bị bệnh. Cùng với đó, việc vận chuyển, giết mổ buôn bán thịt lợn trên các chợ phiên sông Đà còn gặp khó khăn trong kiểm soát và quản lý, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các xã dọc sông Đà.
Theo số liệu thống kê, hiện tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Sơn La hơn 6.300 con với trọng lượng hơn 226.351 kg. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành lập ban thẩm định giá để kịp thời chi trả tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy với mức hỗ trợ tại thời điểm tiêu hủy bằng 80% giá thị trường đối với lợn thịt, lợn con và gấp 1,5 lần đối với lợn nái, lợn giống đang khai thác.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La khuyến cáo, ở vùng đã hết dịch, người dân nên chủ động giảm đàn, không nên tái đàn vội hoặc chuyển hướng sang chăn nuôi động vật khác để bảo đảm không bị tái dịch. Đồng thời có giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành mô hình chuỗi chăn nuôi tập trung thực hiện an toàn sinh học. Đối với vùng an toàn dịch, lợn đến tuổi trưởng thành nên tiêu thụ sớm, nhanh chóng giết mổ và cấp đông để dự trữ nguồn cung thịt. Đây là giải pháp cấp thiết về mặt phòng, chống dịch lẫn kinh tế và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường khi chôn, lấp lợn bị dịch bệnh.
*Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 9/6/2019, trên địa bàn tỉnh đã có 19 xã và huyện Nậm Nhùn công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện từ ngày 18/3/2019 tại một hộ chăn nuôi lợn của xã Thèn Sin, huyện Tam Đường. Đến ngày 9/6/2019, dịch đã xuất hiện tại 1.199 hộ/190 bản/44 xã của 5 huyện: Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ và Tân Uyên; số lợn mắc bệnh, chết phải tiêu huỷ là 5.448 con với tổng trọng lượng 229.086 kg. Hiện nay, đã có 19 xã thuộc các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ và một huyện (huyện Nậm Nhùn có 4/4 xã) công bố hết dịch. Ngoài ra, đến nay dịch bệnh đang còn xảy ra tại 816 hộ/113 bản/25 xã của 4 huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tân Uyên.
Ông Nguyễn Mạnh Thưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả việc dập dịch và phòng tránh dịch bệnh lây lan, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có dịch, kể cả các địa phương chưa có dịch triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường các chốt kiểm dịch, để kiểm soát lượng động vật, sản phẩm động vật từ lợn xâm nhập vào địa bàn, hạn chế tối đa việc đưa lợn và sản phẩm từ lợn có nguy cơ nhiễm bệnh vào địa bàn tỉnh và các địa phương chưa có dịch.
“Đối với các xã, huyện đã công bố hết dịch, tiếp tục tăng cường nghiêm ngặt kiểm soát, kiểm dịch, hạn chế không cho lợn và sản phẩm của lợn từ bên ngoài vào địa bàn, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực đó; tiếp tục theo dõi và khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn ngay, tránh tình trạng còn mầm bệnh phát sinh lây lan, để hạn chế thấp nhất việc bùng phát trở lại dịch tại các địa phương đã công bố hết dịch”, ông Nguyễn Mạnh Thưởng nói.
Tính đến ngày 11/6, cả nước có 54 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con. Hiện còn 9 tỉnh chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là: Quảng Bình, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Bà rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.