Các địa phương dồn sức phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang được các địa phương quyết liệt vào cuộc.

Ngày 10/6, tại Ninh Thuận, tất cả 7 huyện/thành phố trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2 ở hầu hết các trang chăn nuôi, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các cơ sở giết mổ, các điểm mua bán, trung chuyển lợn và cả các điểm kinh doanh, mua bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh. 

Chú thích ảnh
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử /TTXVN

Ninh Thuận tuy chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và xem như đã có dịch. Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các địa phương không được thụ động, phải có kịch bản cụ thể để ứng phó một cách kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại các tỉnh giáp ranh với địa phương, cụ thể là tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận nên khả năng lây lan là khó tránh khỏi. Do đó, bằng mọi biện pháp có thể phải triển khai ngay, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh, xem việc phòng chống dịch bệnh như chống giặc, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 667/CĐ - TTg ngày 4/6/2019.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, hiện toàn bộ hóa chất (vôi bột) và thuốc Benkocid dự phòng tại Chi cục đã chuyển về cho các địa phương thực hiện tiêu độc, khử trùng ngay trong ngày 10/6 và kéo dài trong vòng một tháng. Về lâu dài, ngoài những trang trại chăn nuôi tập trung, những vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao do tiếp giáp với các tỉnh đã xảy ra dịch bệnh, chính quyền địa phương sẽ chủ động kinh phí mua hóa chất để cấp phát tiêu độc, khử trùng.

Trước thực trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận luôn thị sát, kiểm tra chặt chẽ việc phòng, chống, nhất là tại các trạm kiểm dịch động vật, các chốt được lập giáp ranh với các tỉnh đã xảy ra dịch; đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để các phương tiện vận chuyển lợn bệnh vượt trạm, chốt kiểm dịch để vào địa bàn tiêu thụ hoặc qua địa bàn để vào phía Nam tiêu thụ.       

Chú thích ảnh
Kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại Trạm kiểm dịch động vật huyện Thuận Bắc . Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tại Trạm kiểm dịch động vật huyện Thuận Bắc, địa phương tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa đang bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, mỗi ngày có khoảng 15 chuyến xe vận chuyển khoảng 2.000 con lợn từ phía Bắc vào nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh là rất lớn. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo chuyển việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sang phương án 2, tức xem như bệnh dịch đã xuất hiện để tăng cường tối đa nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác chống dịch hiệu quả.

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, Chi cục Thú y vùng VII vừa có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên lợn của một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Trần Văn Thời, dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch thứ tư được cơ quan chức năng tỉnh phát hiện kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên xảy ra tại tỉnh này vào ngày 30/5.

Trước đó, ngày 7/6, bà Lương Thị Kiểu, ngụ tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phát hiện một con lợn của gia đình bị bệnh nên thông báo với cơ quan chức năng đến thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Qua kết quả lấy mẫu xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII cho thấy, mẫu bệnh phẩm nói trên dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch xuất hiện trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi huyện Trần Văn Thời đã tập trung chỉ đạo UBND xã Trần Hợi phối hợp các ngành có liên quan khẩn trương tiêu hủy đàn lợn bị bệnh và thực hiện các biện pháp bao vây, xử lý ổ dịch bằng cách phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại khu vực xảy ra ổ dịch theo đúng quy định.

Theo thống kê, toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 75.000 con, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Do vậy, để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, dốc sức ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức của cán bộ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ và mua bán các sản phẩm từ lợn trên địa bàn; thực hiện tốt các biện pháp tiêu hủy đàn lợn bị bệnh kết hợp tiêu độc, khử trùng và cách ly, ngăn chặn hạn chế bệnh dịch lây lan sang vùng lành bệnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập nhiều trạm, chốt kiểm dịch và bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh cả đường bộ và đường thủy.

Tại thành phố Hải Phòng, ngày 10/6, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã phát đi công điện số 02/CĐ-CT, yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai ngay một số biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn huy động cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành việc phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các ban ngành chức năng của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh, các trường hợp kê khai không đúng số lượng lợn, trọng lượng lợn tiêu hủy theo quy định, đảm bảo công khai minh bạch.

Các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đàn lợn đã được thống kê; quy trình kê khai, lập biểu bảng, niêm yết đối với số lượng lợn bị tiêu hủy. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi phòng chống dịch; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn.

Ngoài ra, các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tăng cường cách ly, khử trùng tiêu độc, áp dụng triệt để, đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đặc biệt tập trung bảo vệ các đàn lợn nái, lợn đực giống đảm bảo cung cấp đủ con giống phục vụ tái đàn sau dịch.

Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp cùng các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch tại các địa phương; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đề xuất, tham mưu Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố xử lý nghiêm các cơ quan, địa phương, đơn vị thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt, Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân các huyện, quận chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Sở Tài chính chủ động tham mưu, đề xuất bố trí đầy đủ kinh phí đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ ngày 22/2 - 4/6 tại 17.802 hộ thuộc 12 huyện, quận; số lợn tiêu hủy 165.305 con, chiếm 48,04% tổng đàn trước dịch; trọng lượng 8.801.998 kg; dịch đã xảy ra tại 9 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn hơn 300 con, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều 10/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con. Hiện còn 9 tỉnh, thành chưa bị dịch tả lợn châu Phi là: Quảng Bình, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.

Đoàn Minh Huệ - Kim Há - Công Thử (TTXVN)
Công bố dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh An Giang
Công bố dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh An Giang

Chiều 10/6, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ông vừa ký quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh An Giang từ ngày 10/6/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN