Đồng bằng sông Cửu Long có cấu tạo nền địa chất rất yếu, rất dễ bị tổn thương, nên bất kỳ một sự tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến vùng đất này. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, con người tác động ngày càng nhiều hơn vào thiên nhiên, khiến quá trình sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch tại các tỉnh trong vùng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa đến tính mạng hàng triệu người dân sinh sống trong vùng nếu không có biện pháp ứng phó và di dời kịp thời.
Sạt lở trên diện rộng
Theo đánh giá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Từ năm 2010 đến năm 2019, sạt lở kênh, rạch, bờ sông tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng gia tăng, với mức độ nghiêm trọng. Năm 2010, toàn vùng chỉ xuất hiện 99 điểm sạt lở thì đến năm 2019 số điểm sạt lở kênh, rạch, bờ sông tăng lên gấp 7 lần với 681 điểm. Vấn đề sạt lở kênh, rạch, bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đến hồi báo động, đòi hỏi các tỉnh, thành trong vùng phải có biện pháp hành động cụ thể để bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long không bị đe dọa bởi sạt lở.
Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất non trẻ, được hình thành do sự bồi lắng của nguồn phù sa từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển. Do vùng này có nền đất yếu và rất dễ tổn thương với bất cứ tác động nào của tự nhiên hay con người.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài: Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây,vùng Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở gia tăng liên tục nguyên nhân chủ yếu do tác động của con người khi xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở sát bờ sông, tình trạng khai thác cát sông tràn lan và sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng bùn cát từ sông Mê Kông đổ về khi trên thượng nguồn xuất hiện hàng loạt hồ chứa để làm thủy điện.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hai tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Thống kê tại An Giang, từ năm 1970 đến năm 2000, khu vực huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu) sạt lở đã cướp đi gần 60 ha đất, khiến trên 30 người chết và mất tích; tháng 4/2017, khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao, tại khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, sạt lở bờ đã kéo theo 16 căn nhà xuống dưới lòng sông Hậu, cắt đứt tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông - Nhơn Mỹ, gây thiệt hại tài sản ước tính 90 tỷ đồng. Ngày 1/8/2019, cũng tại An Giang một nửa mặt đường Quốc lộ 91 (đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) bị sạt xuống sông Hậu gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng: Sở dĩ An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, do khu vực thị xã Tân Châu (An Giang) và thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) là một đoạn sông có biến hình lòng dẫn mạnh nhất trên hạ du sông Cửu Long. Dọc sông Tiền rất nhiều sự biến đổi đột ngột về độ sâu của đáy sông do sự sắp xếp luân phiên của các vực sâu (hố xói) và bãi nông. Độ sâu của sông Tiền khu vực Tân Châu - Hồng Ngự nhiều nơi đạt 30 - 40m, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tạo nên hiện tượng xói lở bờ.
"Từ các khu vực sạt lở nghiêm trọng xuất hiện tại An Giang và nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra liên tục trong thời gian qua, có thể nhận diện được các điểm nóng về sạt lở thường xuyên xảy ra ở các khu vực sông phân lạch bởi các cù lao; khu vực hợp lưu của các nhánh sông; sạt lở ở các đoạn sông co hẹp dòng chảy và các khu vực lòng sông xuất hiện hố xói, lạch sâu sát bờ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh lý giải.
Diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dưới hai dạng là xói lở và sạt bờ. Trong đó, xói lở là hiện tượng khi bề mặt của lòng sông hay bờ sông bị xói mòn và sạt bờ là khi bờ sông mất ổn định và bị trượt xuống dòng chảy. Hiện dòng chảy trên sông Tiền, sông Hậu khu vực thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) có vận tốc trung bình vào mùa lũ 1,6m/giây và mùa khô là 0,6m/giây do vậy đoạn sông Hậu qua khu vực này có khả năng bị xói lở quanh năm.
Đối với khu vực tiếp giáp vùng ảnh hưởng thủy triều như: Cần Thơ, Vĩnh Long và một phần tỉnh Đồng Tháp đáy sông Hậu lẫn lộn bùn và cát mịn, vận tốc trung bình khu vực này vào mùa lũ từ 0,8 - 1,2m/giây nên có khả năng xảy ra xói lở lòng sông. Riêng đối với khu vực vùng ảnh hưởng triều như: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... đáy sông chủ yếu là bùn, tuy có vận tốc trung bình tương đối nhỏ 0,4m/giây nhưng cũng có nguy cơ xảy ra xói lở bờ sông.
Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài cho rằng: Với tính chất địa chất yếu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng với cơ chế dòng chảy khó lường, thay đổi liên tục giữa các mùa thì hiện tượng xói lở bờ sông xảy ra quanh năm tại khu vực này là tất yếu.
"Đồng bằng sông Cửu Long khi vào mùa lũ, dòng chảy sẽ xói lở bờ sông nhưng sạt lở bờ sông chưa xảy ra, nhưng khi vào đầu mùa mưa, mực nước sông hạ thấp, làm tăng áp suất thấm và đồng thời sau vài cơn mưa, áp suất âm trong đất không còn, độ cố kết của đất giảm, khiến hiện tượng xói lở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra nhiều nhất vào đầu mùa mưa", Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài lý giải.
Tại hội thảo quốc tế "Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long" do UBND tỉnh An Giang phối hợp Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 11/2019 tại Trường Đại học An Giang, Giáo sư George Mathias Kondolf đến từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) khẳng định: Do bị tác động bởi các đập thủy điện, hồ chứa do một số nước xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, nhiều diện tích đất ven sông ở Đồng bằng sông Cửu Long bị xói lở và sụt lún xuống sông và hiện tượng xói lở, sụt lún vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ đó, khiến diện tích đất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày bị thu hẹp dần.
"Khi 7 đập thủy điện Trung Quốc xây dựng xong thì khoảng 83% lượng trầm tích sẽ bị giữ lại trong hồ chứa, khiến dòng sông Mê Kông bị giảm gần 1/2 lượng trầm tích tự nhiên. Và khi Lào, Thái Lan và Campuchia xây dựng hàng chục con đập lớn nhỏ trên cả phụ lưu và dòng chính Mê Kông thì lượng trầm tích bị giữ lại từ những con đập này chiếm đến 96%, chỉ còn một phần rất nhỏ trầm tích trôi về tới Đồng bằng sông Cửu Long", Giáo sư George Mathias Kondolf cảnh báo.
Chủ yếu do con người
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Nguyên nhân do xuất hiện hàm ếch, xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt, tăng áp xuất do mưa và nguyên nhân do áp lực thấm. Trong đó, hiện tượng sạt lở bờ do hàm ếch thường xuất hiện ở thượng lưu sông Tiền và sông Hậu, vùng ảnh hưởng lũ như Đồng Tháp, An Giang. Vào mùa lũ, ở những đoạn sông cong đi qua hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, dòng chảy gây xói lở mái dốc tạo thành những hàm ếch; hàm ếch làm giảm lực ma sát trên cung trượt dẫn đến mái dốc mất ổn định, gây lạt lở xuống lòng sông.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nguyên nhân sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long một phần do con người xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt sông như: nhà ở, đường giao thông làm tăng thêm trọng lượng tác động lên bờ sông dẫn đến mất cân bằng và gây trượt bờ sông. Hiện hầu hết các hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng được ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua đều có công trình bên trên như: Sạt lở Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang), sạt ở bờ sông Ô Môn (Cần Thơ) và mới đây nhất là vụ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú, An Giang) giữa năm 2019...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông chỉ ra 3 nguyên nhân khách quan gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Sự thay đổi tính chất cơ học của đất hai bên bờ sông vào đầu mùa mưa hàng năm kết hợp với sự dao động mực nước dưới sông làm khối đất bờ sông mất ổn định; sự bào mòn bờ sông và lòng sông bởi tập trung dòng chảy về một phía tại khúc sông cong và nguyên nhân sạt lở do tác động của con người xây dựng các công trình kiên cố quá gần sông...
Nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng chỉ ra sóng tàu cũng là nguyên nhân gây xói lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, sóng tàu không tác động tức thời gây sạt lở mà gặm nhấm dần đường bờ theo thời gian. Qua tính toán ở một số hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các loại ghe, tàu có trọng tải trên 5 tấn khi chạy trên sông đều gây ra dòng chảy ngược có tốc độ dòng chảy lớn hơn vận tốc khởi động bùn cát của lòng dẫn. Đối với dòng chảy ngược, tàu có tải trọng từ lớn hơn 15 tấn có tốc độ lớn nhất gần bờ gấp 1,5 - 5 lần so với vận tốc khởi động bùn cát lòng dẫn cũng là nguyên nhân gây bào mòn và sạt lở bờ sông và các công trình bảo vệ bờ.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Việc các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang khai thác cát quá mức cũng là nguyên nhân chính khiến sạt lở bờ sông diễn ra nhanh hơn, với cường độ ngày càng nghiêm trọng.
Bài 2: Cát và phù sa ngày càng cạn kiệt