Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Ngọc Hiển khẩn trương khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Đồng thời, Sở và huyện có trách nhiệm lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư dự án chống sạt lở để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.
Do tình huống khẩn cấp nên trước mắt UBND tỉnh Cà Mau cho chủ trương triển khai thi công xây dựng kè với chiều dài khoảng 1 km tại đoạn sạt lở nguy hiểm, từ điểm cuối của Rạch Mũi hướng về Vàm Xoáy.
Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án, trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Ngọc Hiển và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vận động các hộ dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực sạt lở.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn được đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo kịp thời tình trạng sạt lở bờ biển Đông, đoạn từ Đất Mũi đến Vàm Xoáy để người dân trong khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở biết rõ mức độ nguy hiểm. Đây là cách giúp người dân chủ động phòng tránh và có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp đai rừng phòng hộ bị sóng biển phá hủy hoàn toàn.
Trước đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có Tờ trình số 744/TTr-SNN ngày 20/11/2019 về việc quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh do tình hình nguy hiểm, diễn biến sạt lở ngày càng khẩn cấp, phức tạp.