Sạt lở đê biển Sóc Trăng ngày càng nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tại Sóc Trăng, tần suất sạt lở bờ biển xuất hiện ngày càng nhiều mà không theo quy luật của các hiện tượng tự nhiên. Trong đó, tuyến đê biển thuộc địa bàn thị xã Vĩnh Châu sạt lở diễn ra nặng nề và không có dấu hiệu giảm.

Chú thích ảnh
Tình hình sạt lở tuyến đê biển tại Sóc Trăng ngày càng nghiêm trọng do các đai rừng phòng hộ không còn.

Tại khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4, thuộc xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), nhiều đoạn đê biển bị đe dọa trực tiếp, bởi dãy rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng bị thiệt hại nghiêm trọng, có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ. Do đó, những lúc thủy triều lên hay thời tiết xấu, sóng đánh trực tiếp vào thân đê liên tục làm người dân sinh sống ven khu vực cống số 2, thuộc ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa cảm thấy bất an và lo lắng.

Theo bà Lý Thị Pót, hộ dân có nhà ngay khu vực cống số 2, mấy năm gần đây, sóng ngày càng lớn và dữ hơn, trong khi đó các tán rừng phòng hộ gần cống số 2 đã không còn nên nguy cơ vỡ đê rất dễ xảy ra.

Bà Lý Thị Pót chia sẻ: “Sóng cao và lớn, đánh liên tục vào đê biển ngay trước nhà nên nhiều lúc cũng sợ lắm vì nhà ngay sát chân đê mà. Có hôm, sóng lớn tràn qua đê vào nhà luôn. Chính quyền xã đã mấy lần lại khắc phục các đoạn đê bị bể. Sống ở đây rất nhiều năm, tôi thấy trước đây không có sạt lở bao nhiêu đâu. Mấy năm nay mới nhiều vậy đó. Rồi mình thấy cũng sợ biển, nhất là khi nước lớn, gió mạnh, sóng đánh vào đê. Chỉ sợ những lúc đêm hôm, mình ngủ quên mà vỡ đê chạy sao kịp”.

Ông Trần Bô Rươn ở cùng ấp Prey Chop B, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ những lo lắng: “Nói chung, người dân ở đây được an toàn và sản xuất ổn định đều nhờ cái đê biển này. Nếu đê này mà bị vỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nuôi trồng thủy sản của bà con ở khu vực xung quanh. Nếu mà nước tràn vào, nhà cửa sẽ mất trắng, người nuôi tôm không còn gì cả”.

Chú thích ảnh
Đoạn đê biển ở cống số 2 thuộc xã Lai Hòa bị sạt lở. 

Theo ông Lý Văn Khâm, Trưởng Trạm Quản lý Thủy nông thị xã Vĩnh Châu, tuyến rừng phòng hộ từ khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đến khu vực cống số 2 của xã Lai Hòa đã bị sóng biển đánh tan tành. Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi khi sóng biển lớn, nước tràn qua đê sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống và nuôi trồng thủy hải sản của người dân tại khu vực này. Nếu tuyến đê tại khu vực cống số 2 bị vỡ sẽ thiệt hại rất lớn.

Để khắc phục tình trạng sạt lở thân đê do sóng biển đánh trực tiếp, tỉnh Sóc Trăng dự kiến đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng kè ngầm nhằm chắn sóng và gây bồi tạo bãi trồng cây tại khu vực xung yếu đoạn đê từ cống số 2 đến cống số 4 (thuộc 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu) có chiều dài 3 km, với kinh phí 120 tỉ đồng.

Thời gian qua, Sóc Trăng đã thực hiện nhiều công trình để củng cố và nâng cấp tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu, hạn chế sức tác động, ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở nhiều tuyến đê, bờ biển đang diễn biến ngày càng khó lường.

Cụ thể, tỉnh thực hiện dự án “Nâng cấp đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ấp Trà Sết” để nâng cấp 15 km đoạn đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ấp Trà Sết thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; đồng thời, đã kiên cố hóa 3 km mái đê tại điểm xung yếu K41+K42 (trên địa bàn xã Vĩnh Hải), khu vực thường xuyên sạt lở từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng nguồn vốn 149 tỉ đồng.

Chú thích ảnh
Do mất rừng phòng hộ nên khu vực đê biển tại cống số 2 thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu được kè thêm đá để giảm thiểu sức ảnh hưởng của sóng biển. 

Tỉnh đang triển khai dự án “Nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu” với chiều dài 33 km, kinh phí dự kiến là 263 tỉ đồng. Sóc Trăng còn chuẩn bị thực hiện dự án nâng cấp tuyến đê biển thuộc địa bàn huyện Cù Lao Dung với chiều dài 22 km, kinh phí khoảng 30 tỉ đồng do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.

Bên cạnh giải pháp thực hiện các công trình duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê biển, tỉnh chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang đê biển thông qua việc trồng cây gây rừng. Theo đó, tỉnh đã trồng và phát triển mới được 1.500 ha rừng phòng hộ. Đây được xem là thành công của tỉnh Sóc Trăng trong việc thích ứng, giảm thiểu sức tác động của quá trình biển đổi khí hậu tại các địa phương vùng ven biển.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực triển khai, xây dựng các kế hoạch, dự án để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là tích cực thực hiện công tác trồng rừng phòng hộ, hạn chế phá rừng. Đây là mục tiêu cả về trước mắt cũng như lâu dài, vừa đảm bảo an toàn cho đê biển, hài hòa lợi ích của việc phát triển phát triển rừng phòng hộ và đảm bảo sinh kế cho người dân sống tại các khu vực ven biển.

Bài và ảnh: Chanh Đa (TTXVN)
Bạc Liêu: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ biển
Bạc Liêu: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ biển

Theo số liệu khảo sát tháng 7/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tuyến đê biển Đông Bạc Liêu có khoảng 15 km thường xuyên bị sạt lở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN