Trong đó, có 7 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều 2.343 m, 8 đoạn sạt lở nguy hiểm với chiều dài 5.215 m và 6 đoạn bị sạt lở với chiều dài 22.700 m cần được đầu tư xử lý khắc phục sạt lở ngay trong mùa mưa năm nay để bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây.
Những ngày đầu tháng 8/2019 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 kèm theo mưa to, sóng lớn đã làm nước biển tràn qua tuyến đê biển Tây (độ cao từ 0,3 đến 0,4m), với chiều dài 12,5m từ Ba Tĩnh đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời.
Triều cường dâng cao kết hợp sóng to trên vùng biển Cà Mau gây ra sạt lở bờ biển Tây ở mức độ đặc biệt nguy hiểm là 2.100 m và ở mức độ nguy hiểm là 5.4470 m. Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bên trong tuyến đê.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1278 về việc tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây, nhằm để huy động mọi nguồn lực cho công tác hộ đê khẩn cấp. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các dự án đã có kế hoạch bố trí vốn, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, nâng cao năng lực chống chịu tuyến đê biển.
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ gần 74 tỷ đồng cho địa phương triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện giải pháp xử lý sạt lở đê biển Tây theo Công văn số 106 ngày 14/8/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Trước mắt, tỉnh Cà Mau tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện việc xử lý đảm bảo an toàn đoạn đê bị sạt lở dài 356 m.
Cụ thể, về đoạn mái đê phía biển từ cao trình +1.50m trở lên, tiếp tục gia cố bằng bao đất hoặc cát tạo mái sau khi đã trải bạt chống sóng phủ kín mái đê. Đối với đoạn mái đê phía biển từ cao trình +1.50 m trở xuống, đóng hàng cọc cừ tràm sát chân đê để chống xói sâu giữ ổn định mái đê. Từ hàng cừ tràm ở chân đê đến hàng cừ tràm ở cao trình +1.50m trải bạt chống sóng, phía trên đắp bao chứa đất và cát hoặc đè bằng rọ thép, lõi đá hộc. Đơn vị thi công tiếp tục lắp đặt cấu kiện bê tông cốt phi kim cách chân đê khoảng 5m để giám sóng tác động lên mái đê; chuẩn bị đá hộc, rọ thép, đất, cát, bao có kích thước đủ lớn dự trữ để kịp thời xử lý đảm bảo chắc chắn, an toàn cho đoạn đê kể trên trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng cao.
Về lâu dài, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện rà soát, đánh giá mức độ an toàn đối với các đoạn đê trọng điểm xung yếu, nhất là đoạn đê vừa xảy ra sự cố, xây dựng giải pháp xử lý đảm bảo ổn định lâu dài; ưu tiên cứng hóa mái ngoài đê kết hợp chống tràn hoàn thành trước tháng 6/2020.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá về hiệu quả của các giải pháp đã thực hiện phòng chống xói lở bờ biển, nhất là đối với những khu vực đã được kè bảo vệ nhưng đê biển vẫn bị sạt lở. Qua đó, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục để đảm bảo ổn định công trình, hiệu quả giảm sóng, gây bồi và tạo bãi trồng rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo bảo vệ bền vững đê, bãi biển.
Đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị và huy động lực lượng, phương tiện, vật tư… để chủ động ứng cứu, hộ đê theo phương châm 4 tại chỗ.