Đáng chú ý, bảng quảng cáo “khủng” này chưa được cấp phép, không có trong quy hoạch; đặc biệt vị trí xây dựng nằm một phần trong khu vực bảo vệ 1 của di tích Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị.
Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật, tên công trình là Cung cấp và lắp đặt màn hình LED; chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương Mại - Dịch Vụ - Đầu tư V.; địa điểm xây dựng tại Tháp chuông Thành cổ nằm ở giao cắt giữa đường Nguyễn Tri Phương và đường Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn Phường 2, thị xã Quảng Trị. Công trình xây dựng mới màn hình LED khổ lớn ngoài trời, mặt trước lắp màn hình LED kích thước 5,83m x 10,63m, các mặt xung quanh ốp tấm Aluminium ngoài trời và một số hạng mục khác như móng cọc, thân trụ; tổng chiều cao là 12,16m, vốn đầu tư trên 3,8 tỷ đồng.
Công trình thi công gần hoàn thành, chiều 19/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra và lập biên bản về việc xây dựng bảng quảng cáo tuyên truyền tấm lớn. Theo nội dung biên bản, vị trí xây dựng của bảng quảng cáo tuyên truyền nằm một phần trong khu vực bảo vệ 1 của Điểm di tích Tháp chuông thuộc Di tích Quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; không nằm trong quy hoạch quảng cáo theo Quyết định số 4447/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thống nhất và đề nghị Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Trị tạm thời cho dừng việc thi công công trình bảng quảng cáo tuyền truyền trong khu vực bảo vệ 1 của Điểm di tích Tháp chuông thuộc Di tích Quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Đến sáng 20/7, theo ghi nhận của phóng viên, công trình này vẫn có nhiều công nhân tiếp tục thi công và công trình gần hoàn thành. Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị có dấu hiệu bị bảng quảng cáo “khủng” này che một phần, nếu quan sát từ đường Nguyễn Tri Phương đoạn liền kề với Quảng trường Giải phóng.
Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng Phòng quản lý Đô thị thị xã Quảng Trị cho biết: Một phần công trình nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương và đường Trần Hưng Đạo, một phần nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị. Do thời gian hoàn thành gấp (dự kiến vào 27/7 - Ngày Thương binh - Liệt sỹ) nên công trình chưa được cấp phép. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Lê Phương Bắc, trong quá trình triển khai công trình, lực lượng tham mưu thiếu sót về khu vực di tích. Ngày 21/7, cơ quan chức năng của địa phương sẽ làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để tìm hướng khắc phục.
Ngoài chưa được cấp phép xây dựng, không nằm trong quy hoạch, một phần công trình nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích, việc làm bảng quảng cáo “khủng” này còn vi phạm Luật Quảng cáo. Trưởng Phòng Di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị Lê Đình Hào cho biết: việc xây dựng bảng quảng cáo này sai cả hai luật gồm: Luật Di sản văn hóa và Luật Quảng cáo.
Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khu vực bảo vệ 1 phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”.
Di tích Quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013. Trong đó, công trình Tháp chuông cao gần 15m; quả chuông nặng 7.180kg, đường kính miệng 2,15m và cao 3,9m. Công trình nằm cạnh cổng Bắc của Thành cổ Quảng Trị.
Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị là một trong những điểm tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống tại Thành cổ để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phục vụ đồng bào cả nước mỗi lần về thăm Thành cổ đánh lên tiếng chuông để tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ, cầu nguyện đất nước thanh bình và thịnh vượng.