Theo đó, một trong những chức năng chính của hội đồng này là tổ chức kỳ thi quốc gia sát hạch năng lực chuyên môn của người hành nghề, điều kiện bắt buộc khi xem xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian tới, dự kiến triển khai thực hiện từ năm 2020. Nội dung này cũng đang được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.
Muốn có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải trải qua kỳ thi sát hạch chuyên môn. Ảnh: BV |
Hành nghề khám chữa bệnh đòi hỏi người hành nghề phải có cả năng lực chuyên môn cả về lý thuyết và thực hành, cũng như đạo đức nghề nghiệp do công tác khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh là biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề của bác sĩ có phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế thì điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở khám chữa bệnh mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Vì vậy, các bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay vẫn chưa đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh hay không.
Bên cạnh đó, việc xem xét cấp chứng chỉ hành nghề chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ cũng sẽ đánh đồng trình độ của những người hành nghề, không phân biệt được người hành nghề có trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề cao với người có trình độ, kỹ năng hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng hành nghề sau này cũng như sự an toàn của người bệnh.
Mặt khác, quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn cũng gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng hành nghề, nhất là khi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chủ yếu dựa vào hồ sơ hành chính và các quy định về cập nhật kiến thức y khoa liên tục chưa bảo đảm tính khả thi; hầu hết người hành nghề chưa tuân thủ việc cập nhật đủ 48 tiết trong 2 năm liên tục.
Bộ Y tế cho rằng, để kiểm tra, sát hạch được năng lực chuyên môn của người hành nghề thì việc thay đổi quy định từ cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên hồ sơ, văn bằng chứng chỉ sang hình thức thi sát hạch năng lực hành nghề trên phạm vi quốc gia được thực hiện bởi một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Việc đổi hình thức thi chứng nhận năng lực hành nghề làm cơ sở cho việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp kiểm tra, sát hạch được năng lực chuyên môn của người hành nghề, từ đó lựa chọn được đội ngũ nhân lực y tế thực sự có chất lượng nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đem lại an toàn cho người bệnh, hạn chế những hậu quả, tai biến có thể xảy ra trong công tác khám, chữa bệnh.
Việc tổ chức kỳ thi quốc gia độc lập thông qua hội đồng y khoa sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp Chứng chỉ hành nghề, đây là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề khám chữa bệnh. Mô hình này đã được áp dụng ngay tại các nước chậm phát triển và đang phát triển trên thế giới.
Hiện nay, duy nhất chỉ có Việt Nam, Cambodia, Myanmar và Brunei là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước ngoài vào thì Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Bộ Y tế cũng cho biết thêm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với việc là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam phải tuân thủ theo các hiệp định của Tổ chức này, trong đó có các quy định về dịch vụ y tế. Mặt khác, cùng với việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong đó có việc cho phép chứng chỉ hành nghề Y và Nha khoa được cấp bởi các cơ quan chức năng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực.