Ghi nhận của phóng viên TTXVN, đến khoảng 19 giờ ngày 18/9, nhiều tuyến đường trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Duy Tân, Nguyễn Hữu Cảnh… ngập sâu khiến giao thông hỗn loạn, các phương tiện chết máy. Cá biệt như đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ có những đoạn ngập sâu nửa mét. Xe cứu hộ giao thông hoạt động liên tục. Lực lượng Công an giao thông thành phố Vinh dầm mưa điều tiết giao thông.
Nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh như: chợ Hưng Dũng, chợ Quán Bàu... cũng ngập sâu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Nhiều tuyến đường cây xanh bị đổ, ngã. Tại đường Lê Mao kéo dài đã có một cột điện bị đổ gãy. Nhiều khu vực như: xã Hưng Lộc, Hưng Hòa của thành phố mất điện.
Theo Công ty Điện lực Nghệ An, mưa lớn gây sự cố tại 32 đường dây, 2.400 trạm biến áp, ảnh hưởng đến 215.621 khách hàng bị mất điện, chủ yếu ở trên địa bàn các huyện Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương và thị xã Cửa Lò… Đến 17 giờ cùng ngày, Công ty Điện lực Nghệ An đã khắc phục được 1.275 trạm biến áp bị sự cố, cấp điện trở lại cho 114.549 khách hàng; còn 1.125 trạm biến áp, với 101.072 khách hàng đang mất điện, Công ty Điện lực Nghệ An đang tiếp tục xử lý, khắc phục để cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
* Do ảnh hưởng của bão số 5, trong 2 ngày 17 - 18/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, phổ biến từ 150 - 250 mm, có nơi trên 250 mm. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến 15 giờ ngày 18/9, bão số 5 đã làm 49 nhà dân ở huyện miền núi Tây Giang và 30 nhà dân ở huyện miền núi Đông Giang bị ngập; cả tỉnh có 106 ha lúa vụ Hè Thu bị ngập úng (gồm huyện Tây Giang 103 ha, huyện Nông Sơn 3 ha), 10,5 ha đất trồng cây công nghiệp bị sạt lở, bồi lấp; hàng chục con trâu, bò, lợn bị cuốn trôi…
Do mưa lớn, lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện cũng tương đối lớn, tại Hồ Sông Tranh 2 lưu lượng nước về hồ đạt 102 m3/giây, mực nước hồ đạt 141,11 m/175, lưu lượng đỉnh lũ đạt 129,25 m3/giây; tại hồ A Vương lưu lượng nước đổ về hồ là 728,7 m3/giây, mực nước hồ 207,8/222,5 m, lưu lượng đỉnh lũ đạt 1.440 m3/giây; tại hồ Đak Mi 4, lưu lượng nước đổ về hồ là 96,92 m3/giây, mực nước hồ đạt 241,2 m, lưu lượng đỉnh lũ 103,63 m3/giây.
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 5, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở những vùng nguy hiểm, chính quyền các cấp tại các địa phương trong tỉnh đã sơ tán tập trung 44 hộ với 317 người, di dời, xen ghép 3.778 người đến nơi an toàn, nhờ đó đã không để xảy tình trạng thương vong về người trên địa bàn tỉnh.
* Do ảnh hưởng bão số 5, ngày 18/9, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị chìm tại khu vực cảng Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, khoảng 2 giờ ngày 18/9, trong lúc đang neo đậu tại khu vực cảng Dung Quất, tàu cá QNg 90457 TS do ông Nguyễn Văn Chu, trú ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đã bị phá nước và chìm. Theo ông Chu, thời điểm đó có một trận gió lớn ập đến làm các tàu thuyền đang neo đậu tại khu vực cảng Dung Quất va đập với nhau khiến tàu cá của ông bị phá nước và chìm. Rất may thời điểm tàu bị phá nước ông Chu đã rời khỏi tàu nên không có thiệt hại về người nhưng tất cả máy móc, ngư lưới cụ trên tàu đều bị chìm.
Nhận tin báo về tàu cá bị nạn, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã điều động cán bộ, chiến sĩ, huy động tàu thuyền neo đậu trong cùng khu vực phối hợp triển khai công tác cứu nạn. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, song lực lượng cứu nạn vẫn nỗ lực tìm cách trục vớt tàu cá QNg 90457 TS lên khỏi mặt nước, nhằm giảm thiệt hại cho ngư dân. Đến trưa 18/9, công tác cứu nạn cơ bản hoàn thành.
* Tối 18/9, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, trường gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh gây mưa diện rộng trên địa bàn tỉnh. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, sóng cao 2 - 3 m, biển động mạnh.
Theo đó, sóng lớn đã tiếp tục gây vỡ 3 đoạn đê biển với chiều dài 75 m tại xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh; nước biển tràn vào phía trong đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như đời sống nhân dân trong khu vực. Bên cạnh đó, đã có 5 căn nhà bị tốc mái ở các huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.
Chiều 18/9, tại huyện đảo Phú Quốc tiếp tục có mưa to, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nhất là trục đường 30/4, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trung Trực… Mưa to cũng đã làm cho 42 căn nhà trên địa bàn huyện đảo này bị ngập. Trước tình hình nước ngập các tuyến đường, 4 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại thị trấn Dương Đông đã cho học sinh tạm nghỉ.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung cho biết, sau khi nhận được tin sạt lở đê biển tại huyện An Minh, ngay trong ngày 18/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp cùng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình phát triển nông thôn tỉnh khảo sát, đánh giá thiệt hại, đề xuất giải pháp khắc phục. Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh kịp thời vận hành mở tăng cường hệ thống cống để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp; đồng thời trao đổi nhanh với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố để triển khai các giải pháp ứng phó 24/24 giờ.
Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang đã cho dừng tạm thời hoạt động các chuyến tàu, phà vận tải hành khách đến và rời đảo Phú Quốc kể từ 6 giờ ngày 17/9.