Tận dụng mọi cơ hội để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp bàn về các phương pháp xét nghiệm và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 đang thực hiện tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các đơn vị và doanh nghiệp liên quan dự họp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày các phương pháp sản xuất, thử nghiệm vắc-xin. Theo đó, hiện nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 trên chuột, gà trước khi thử nghiệm trên người. Tại Việt Nam, các nhà khoa học đang tích cực tiến hành nuôi cấy vắc-xin. Song song với đó là các tính toán, dự tính về mô hình sản xuất hàng loạt vắc-xin phòng COVID-19 phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Về các bộ kit test thử nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã có thể chủ động tiến hành cả xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) và xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm PCR) có độ chính xác cao. Đây là nỗ lực rất lớn của đội ngũ các nhà khoa học ngành Y tế. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có điều chỉnh về chiến lược sản xuất các bộ kit xét nghiệm để vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả xét nghiệm, vừa có thể sản xuất được số lượng lớn kit xét nghiệm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy các phương án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong thời gian tới. Ngoài phương án nghiên cứu theo quy chuẩn thông thường, Bộ Y tế chuẩn bị các phương án đề phòng trường hợp ứng phó rộng hơn với dịch COVID-19. Để đáp ứng yêu cầu phòng bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế dự kiến ban hành kế hoạch tổ chức lại lực lượng nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp để khai thác lợi thế nghiên cứu sản xuất vắc-xin ở nước ta từ trước đến nay.
Trong việc sản xuất vắc-xin, Việt Nam sẽ nỗ lực đón đầu các công nghệ nhờ kế thừa kinh nghiệm của thế giới trong việc ứng phó với virus SARS-CoV-2. Các dự án nghiên cứu sản xuất vắc-xin của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi mà còn giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chủ động vắc-xin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. Trong thời gian tới, cách làm thực tế và hiệu quả là triển khai mô hình kết hợp chặt chẽ giữa việc nghiên cứu và sản xuất...
Liên minh vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất
Chiều 30/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Tham dự cuộc họp có đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park đánh giá cao thành tích của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như sự nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế nhấn mạnh, xét theo tiêu chí 30 ngày liên tiếp không có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, hiện có ít quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, trừ một số nước châu Á. Do đó, các chuyên gia lưu ý việc đầu tư tối đa cho hệ thống y tế, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời, chủ động đối thoại song phương với các quốc gia liên quan khi xem xét mở lại biên giới, nối lại đường bay.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm bởi đây là yếu tố then chốt góp phần giúp ngăn ngừa đại dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới. Các tổ chức quốc tế cam kết nỗ lực phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh; đồng thời mong muốn Việt Nam chia sẻ, hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Ông Kidong Park cho biết, Liên minh vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. “Việc tham gia Liên minh vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 là điều kiện quan trọng để người dân tiếp cận được vắc-xin trong thời gian sớm nhất có thể, dự kiến vào khoảng cuối năm 2021”, ông Kidong Park nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề sản xuất vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam có hai đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng, chống COVID-19 và đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Theo đó, chất lượng vắc-xin tương đối tốt, dự kiến thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó là trên người. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Trên tinh thần phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chung của toàn thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh. Hiện, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kit thử); trong đó có những loại kit thử được đánh giá cao với độ nhạy, độ đặc hiệu cao; giá rẻ hơn so với các loại đang bán trên thị trường thế giới.
Hội chẩn đánh giá sức khỏe phi công người Anh trong tuần này
Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đang sắp xếp một phiên hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe phi công người Anh theo đề nghị từ Đại sứ quán Anh, trước khi cho bệnh nhân về nước ngày 12/7.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy hiện tại đã có 335/355 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta được chữa khỏi, chiếm 94,4%. Số bệnh nhân còn lại đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế có 4 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 ca âm tính lần 2 trở lên.
Về tình hình nam phi công người Anh (bệnh nhân 91), theo Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển về sức khỏe. Bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tiểu ban Điều trị đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân về nước trên chuyến bay ngày 12/7/2020.
Tiểu ban Điều trị đang sắp xếp một phiên hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe phi công người Anh theo đề nghị từ Đại sứ quán Anh, trước khi cho bệnh nhân về nước ngày 12/7. Đây sẽ là hội chẩn quốc gia lần 6 để đánh giá toàn diện sức khỏe bệnh nhân, bao gồm chức năng hô hấp, vận động, để bay một chuyến kéo dài liên tục 12 tiếng... Trường hợp phi công Anh đủ điều kiện về nước như dự định, phía Việt Nam sẽ cử một ê-kíp y, bác sĩ bay cùng người này để hỗ trợ.
TP Hồ Chí Minh khẳng định không có ca tái dương tính với COVID-19
Ngày 30/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định bệnh nhân 326 không phải trường hợp tái dương tính với COVID-19. Do đó, đơn vị này cũng đã đề xuất kết thúc theo dõi đối với những cư dân tầng 12, chung cư Phạm Viết Chánh (phường 19, quận Bình Thạnh). Riêng bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi hàng ngày đến hết 30 ngày theo quy định của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ngày 29/6 đơn vị này đã ghi nhận mẫu xét nghiệm ngày 28/6/2020 (ngày thứ 20 sau xuất viện) của bệnh nhân 326 có kết quả chưa rõ ràng. Nhưng để kiểm soát nguy cơ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt hệ thống đáp ứng nhanh như đối với 1 trường hợp nghi ngờ, thực hiện điều tra xác định nhanh người tiếp xúc để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Sáng 30/6, trung tâm đã có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, 3 người nhà và 20 người sống cùng tầng đều có kết quả âm tính. Đến nay, trung tâm xác định bệnh nhân 326 không tái dương tính với COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong quá trình theo dõi tại TP Hồ Chí Minh, tất cả bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện đều được lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày cho đến khi đủ 30 ngày. Nhằm mục tiêu đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ đối với cộng đồng, đồng thời trong quá trình giám sát theo dõi, có thể sẽ thực hiện một số biện pháp giám sát nguy cơ đối với cộng đồng dân cư sống chung quanh, trong đó có lấy mẫu xét nghiệm.
Trung trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, dù hiện nay đã khống chế được dịch COVID-19 nhưng người dân nên tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề vệ sinh bàn tay để phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc, trong đó có bệnh COVID-19.