1.
Núi Thanh Phong có một loài khỉ lông trắng nhanh nhẹn, tinh anh lạ thường. Sáng sáng, chúng chuyền cành, khọt khẹt tự tình vang động một vùng. Dân săn khỉ dùng mọi cách để bẫy bạch mao hầu: Đặt lồng, gài dây thun, thả dây thòng lọng trên các nhánh cây, ngóc ngách đều công dã tràng. Ấy thế, có một ông lão tóc trắng như cước, râu ba chòm suôn đuột, cốt cách phi phàm, nhà ở lưng chừng núi lại dụ được cả bầy khỉ leo núi hái trà cho vợ con ông đem bán khắp nơi, sống an nhàn, tự tại.
Nhớ ngày đưa vợ con lên núi Thanh Phong sinh sống, ông Thập thường vuốt râu, khoái chí, cười một mình. Ông không ngờ những ngón võ khỉ lại trở nên hữu ích và thi vị không tưởng. Hồi đó, ông thường dậy sớm, mặc võ phục, bước ra sân vươn tay quào phải, chộp trái, duỗi chân, bật người lộn vòng về phía trước, rồi tạt chân, quay tròn, tung người đá quật ra phía sau vèo vèo. Những thế võ xoắn tít, mềm mại, kín kẽ, khéo nấp, né, nhưng có lúc ra đòn biến hóa uy lực hiểm hóc kinh người.
Bầy khỉ lông trắng lẳng lặng kéo đến bắt chước làm theo những động tác của vị võ sư già. Thấy ông thân thiện, chúng dần dà lại gần, rồi quấn quít như chó, mèo theo chủ. Có hôm chúng còn mang theo cả bó trà búp non tơ hái được trên đỉnh núi. Lão võ sư chợt nảy ra sáng kiến, đan những chiếc sọt mây buộc vào trước ngực khỉ, nhặt những búp trà bỏ vào giỏ, lặp đi, lặp lại nhiều lần để dạy chúng cách hái trà. Mấy hôm sau, chao ôi! Lão muốn nhảy cẫng lên, reo hò khi thấy một đàn khỉ dâng trà. Lão võ sư vui mừng khôn xiết khi uống nước trà do khỉ lông trắng hái chát ngọt, quắn lưỡi, sinh lực dồi dào. Tiếng lành đồn xa. Trà Bạch Mao Hầu của lão võ sư được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Mọi người đổ xô về núi Thanh Phong để mua trà tươi và xem khỉ lông trắng.
Những con khỉ mang sọt thoắt ẩn, thoắt hiện trên chóp núi. Mây như sữa loãng la đà. Sương giăng giăng như tơ nhện, khiến cho núi càng bí ẩn, linh thiêng. Lão võ sư hú một hồi dài. Lóc chóc những chú khỉ đội lá hiển hiện. Ở nơi này không có chỗ cho nắng nhảy múa. Nắng như cô gái mắc cỡ vì ngủ muộn. Chúng sáng lên màu nhạt nhòa, yếu ớt rồi chìm nghỉm trong mờ sương. Có lẽ sống một nơi quanh năm sương chang tuyết phủ nên Du Miên, cô con gái rượu của lão võ sư nước da trắng mịn, dáng dấp mảnh mai, gương mặt như tiên nữ dáng trần. Nhưng khinh công vào loại cao thủ. Nàng phi thân từ nhà ra đường như vệt khói.
Đôi chân lướt như bay trên đất đá. Bầy khỉ lông trắng ó ré vang trời. Dường như chúng quá quen thuộc với người con gái dịu dàng, hiền lành, thường chia khoai, chuối, bắp cho chúng. Tiếng ó ré biểu thị sự vui mừng của bầy khỉ lông trắng chào ân nhân. Những lúc như vậy, Du Miên thường dừng lại ở một tảng đá bằng phẳng, rộng thoáng. Nàng thi triển “ngũ yếu”, năm điều cần trong bạch hầu quyền: Hình cần giống. Ý cần thật. Bộ cần nhẹ. Pháp cần kín. Thân cần hoạt. Những thủ pháp nhẹ nhõm, linh hoạt, hình tượng. Đưa kỹ thuật của bạch hầu quyền vào trong hình dạng khỉ tượng hình quyền. Bầy khỉ sà xuống luyện võ với nàng một cách mải mê, thích thú.
2.
Dân săn khỉ không bắt được những chú bạch mao hầu tinh khôn. Chúng mang súng lên tận non cao. Hôm ấy, lão Thập cùng vợ con đang ăn trưa, chợt nghe tiếng súng nổ. Hai cha con lão võ sư phi thân vào rừng. Nhoáng một cái, đám săn khỉ bị thộp cổ từ phía sau. Chúng nghe lạnh gáy và tê cứng toàn thân, buông súng quy hàng. Lão Thập quắc mắt: “Lũ gian ác giết hai con khỉ lông trắng phải đền mạng!”. Du Miên gọi rắn độc cho ta!”. Nàng con gái dạ một tiếng, đưa hai bàn tay lên môi chụm lại, thổi. Tức thì phát ra âm thanh lúc nỉ non, lúc hùng tráng, lúc thôi thúc. Bầy rắn hổ mang, hổ chúa, hổ trâu… từ trong các hốc đá bò ra giữa đường, hướng tới mấy gã săn khỉ. Tiếng thét kinh hãi của chúng nghe lẹt ẹt, ấm ớ trong cổ họng vì bị lão võ sư điểm huyệt. Có tên sợ đến mức mắt trợn ngược, tè ra quần. Nàng con gái thỏ thẻ: “Cha giải huyệt cho chúng để chúng nếm mùi khổ đau”. Một cái phất tay của lão Thập, ba tên săn khỉ không hẹn cùng sụp xuống vái lạy như tế sao: “Chúng tôi trót dại, xin ông tha mạng… xin tha mạng… Chúng tôi không dám đến đây săn khỉ… Ôi rắn!... Chúng tôi lạy ông mở lòng từ bi!...”. Lão võ sư mềm lòng: “Con gái hãy xua bầy rắn đi nơi khác. Ta tha cho các ngươi lần này. Không có lần thứ hai đâu nhé! Để hết súng lại đó, rồi cút mau!”.
Mấy gã săn khỉ líu ríu đặt những khẩu súng trường xuống đất, quay lưng sải chạy xuống núi như sợ lão võ sư đổi ý. Ba khẩu súng tự chế nòng dài nằm trơ lì trên mặt đất. Nòng súng còn khét lẹt mùi thuốc đạn. Lão Thập nhặt từng khẩu súng đưa lên vai dứt khoát, nhanh nhẹn bước đi. Chiến lợi phẩm mà lão tịch thu sẽ xếp vào hốc nhà. Lão Thập chưa bao giờ dùng súng đạn. Đôi tay cái tuổi ngấp nghé bảy mươi của lão Thập vẫn còn kéo được dây chiếc cung lớn, sức bật khủng khiếp. Mỗi lần bắn, ba mũi tên cùng bay đi một lúc. Trình độ bắn cung của lão Thập đạt tới mức tuyệt kỹ. Lão có thể bắn hạ con đại bàng đang bay trong chớp mắt. Điều đáng nói là lão Thập có một loại tên độc chỉ dành riêng để phòng thân. Những mũi tên ngâm trong nhựa cây thần linh lâu ngày độc tố gấp trăm lần nhựa cây trúc đào. Có lần, mới tinh sương, một con heo rừng xồng xộc chạy về phía nhà lão Thập. Lão vội vàng vào nhà. Khi trở ra, trên tay lão cung tên sẵn sàng. Con heo độc chiếc to như con trâu đực, dữ tợn vừa ló ở đầu ngõ. Một tiếng tách vang lên, nó lăn quay không kịp rống.
3.
Mỗi lần bán trà ở các quán, Du Miên và mẹ nàng (bà Khuyên) thường vào chợ huyện mua quà cho lũ khỉ lông trắng. Đó là những nải chuối, mớ khoai lang, bắp trái còn tươi nguyên. Lão Thập huấn luyện khỉ hái trà, kèm theo thưởng công cho chúng bằng quà, lâu ngày trở thành thói quen. Lũ khỉ hái trà xong, hí hé nhau kéo xuống nhà lão Thập. Chúng đứng thành hàng dài dâng trà. Du Miên và mẹ nàng thu nhận tấm lòng thảo thơm của những con vật cũng biết thể hiện tình cảm. Sau đó bỏ quà vào sọt của lũ khỉ. Những con khỉ hái được nhiều trà sẽ được nhận nhiều chuối, bắp, khoai. Chúng láu ráu ăn, chạy nhảy, khọt khẹt thể hiện sự vui mừng, hôm sau chúng lại âm thầm leo cây, chuyền cành hái trà như một lập trình ngày này qua ngày khác.
Trong lúc Du Miên mở ví lấy tiền trả công cho mấy người khuân vác, một gã đàn ông cao to, mặc bộ quần áo rằn ri, gương mặt đanh ác bước lại, hất hàm: “Này, cô em, còn nhớ ta chớ?”. Du Miên nhìn mặt gã trông quen quen, nhưng cô không tài nào nhớ nổi đã gặp ở đâu. Nhìn đôi mắt vằn lên những tia đỏ như máu, gương mặt đằng đằng sát khí của gã, Du Miên khẽ rúng động, thủ thế: “Xin anh cho biết quý danh?”. Gã đàn ông cười nhạt: “Mi xua rắn cắn ta trên núi, giờ này còn ra vẻ ngờ nghệch… chết này!”. Hai từ “chết này!” vừa tuôn ra, cũng là lúc hai cú đấm như vũ bão nhằm vào mặt Du Miên, liền theo là cú lật chỏ hiểm hóc. Du Miên nghiêng người tránh đòn một cách dễ dàng. Nàng dợm chân nhảy ra chỗ trống nhẹ nhàng như chiếc lá rơi: “Anh có giỏi thì đến đây! Hôm nay tôi dạy cho anh một bài học về cao nhân tắc hữu cao nhân trị!”. Bà Khuyên cười gằn: “Đúng đấy con gái. Phải dạy cho hắn biết phép ứng xử lịch sự đối với phái nữ!”.
Mọi người ở bến xe áp tới xem gã khổng lồ đánh nhau với một cô gái mảnh dẻ. Hình ảnh tương phản càng khiến họ thêm hiếu kỳ. Gã đàn ông ra đòn nhanh như chớp vẫn không đánh trúng cô gái, gã ngượng và căm giận cực điểm: “Hôm nay ta không bóp nát mi thì ta không phải là Tư Hổ!”. Gã phi thân tới, nhằm vào Du Miên, tung ra cú đá như bão quật. Du Miên lắc người hóa giải đường cước vô cùng lợi hại của đối phương. Nàng hút môi lại, thở bằng mũi, thi triển bạch hầu quyền nhắm vào các yếu huyệt: Mi tâm, thái dương, đan điền… của Tư Hổ phóng ra, uy lực kinh thiên động địa. Một tiếng hự vang lên, gã săn khỉ ôm bụng lảo đảo lùi ra phía sau ba bước, gương mặt tái mét. Gã nhắm mắt chờ chết. Ngay lúc ấy Du Miên nhao người điểm huyệt Tư Hổ. Hắn trụ bộ, đứng như trời trồng. Du Miên nói lớn cho mọi người xung quanh nghe thấy: “Thưa bà con! Đây là người tháng trước lên núi Thanh Phong bắn khỉ lông trắng, bị tôi ngăn cản. Hôm nay ông ta dùng bạo lực để trả thù”. Đám đông lao nhao: “Đánh cho hắn chừa bản chất độc ác, mắc mớ chi đi bắn khỉ, giết động vật quý hiếm?... He! He! Hắn xưng là Tư Hổ mà đánh không lại một cô gái mảnh mai, thôi đổi lại quý danh là Xấu Hổ đi cha nội… Cô là chủ nhân của danh trà Bạch Mao Hầu? Trà ngon lắm! Chủ nhân lại xinh đẹp, giỏi võ thuật, cho xin chữ ký nha!…”. Du Miên nhìn mọi người, lộ vẻ cảm kích: “Tạm biệt bà con! Khoảng 10 phút nữa huyệt đạo của anh ta tự trở lại bình thường. Cháu xin phép mọi người về núi Thanh Phong!”.
4.
Sự kiện núi Thanh Phong trở thành điểm du lịch sinh thái của huyện Kỳ Châu được truyền hình trực tiếp, làm nức lòng du khách trong và ngoài nước. Người ta đến đây để tận mắt chứng kiến cảnh núi rừng xanh tươi, hùng vĩ, xem những khối đá màu đen như kim cương lóng lánh với nhiều hình dáng độc đáo như có sự can thiệp của bàn tay con người. Nhất là xem đàn bạch mao hầu hiếu động, dễ thương. Họ còn bị kích thích bởi những lời thêu dệt như huyền thoại về đôi vợ chồng và cô con gái đẹp liêu trai; chủ nhân của thương hiệu trà Bạch Mao Hầu nổi tiếng đã sống những năm tháng trên núi cao với đàn khỉ lông trắng xinh xắn.
Mẹ con cô gái ấy bây giờ không còn mang trà xuống bán ở miền xuôi. Nhà của họ đã trở thành điểm bán trà lý tưởng. Bà Khuyên tất bật với việc buôn bán. Du Miên thì trở thành nhân viên của Công ty du lịch Kỳ Châu. Nàng phụ trách việc chỉ huy đàn khỉ lông trắng biểu diễn Bạch Hầu Quyền phục vụ khách du lịch. Cha nàng mở võ đường BẠCH PHÁI HẦU QUYỀN thu nhận môn sinh khắp nơi trong nước.
Một sáng. Du Miên đang loay hoay giúp mẹ trưng bày trà Bạch Mao Hầu, nàng sững sờ nhìn chăm chăm vào một nhân viên bảo vệ khu sinh thái mới được tuyển dụng. Anh ta tươi cười tiến lại quầy hàng, giọng nhẹ như gió thoảng: “Cho Tư Hổ xin lỗi cô Du Miên về những gì tôi đối xử không phải với cô nha! Cô nói giúp với lão võ sư thu nhận tôi làm đệ tử. Tôi xin được học Bạch Hầu Quyền. Học võ để bảo vệ khu du lịch sinh thái Kỳ Châu…” .