Xóm Cù Lao

Út có người yêu. Tin đó bay khắp cái Xóm Cù Lao nhanh như vận động viên marathon chạy nước rút.


Út có người yêu. Tin đó bay khắp cái Xóm Cù Lao nhanh như vận động viên marathon chạy nước rút.

“Chuyện, con bé dễ thương, học giỏi lại hiền lành, đi học xa nhà nữa, có khối anh chàng ở phố mê mẩn”. Có người than: “Xóm Cù Lao mình hết hi vọng rồi, nó lấy chồng ở phố rồi mất luôn...”. Lời than ấy không phải là không có lý. Mấy năm gần đây, đám trẻ của Xóm Cù Lao thay phiên nhau ra phố đi học, nhưng không thấy đứa nào quay về. 

Xóm có mấy chục nóc nhà, giờ lại càng thêm hiu quạnh. Những người trong xóm thường than vắn thở dài, thiếu tiếng cười của con nít, cả người già cũng thấy héo hon. Có khi rảnh rỗi, họ tụ tập ở nhà một người nào đó trong xóm, ngồi nói chuyện huyên thuyên rồi bỗng nhận ra lâu lắm rồi họ không được dự một cái đám cưới nho nhỏ gọi là cho có tiệc tùng. Rồi họ thèm cảm giác bỏ hết mấy cái chuyện lặt vặt hàng ngày, đàn ông ngả heo vào buổi sáng sớm, trước đó họ sẽ lầm rầm khấn mong mày đầu thai kiếp khác sung sướng hơn; còn đám đàn bà thì rục rịch từ sớm, nào thớt dao sẵn sàng, cứ đám đàn ông xong là những tiếng va vào nhau của dao và thớt sẽ vang lên. 

Say mê. Vui vẻ. Họ sẽ vừa làm vừa nói chuyện về nàng dâu chú rể, về cuộc sống tương lai và cả những đứa con của hai trẻ, có khi họ lại bắt sui gia với nhau sẵn cứ như đứa trẻ là của chung cả làng vậy. Và tuyệt không có nhạc xập xình, không có những màn ca hát ẻo lả mà hào nhoáng như ở ngoài phố, vậy mà ai cũng thấy vui, thấy rộn ràng quá đỗi. Nhưng chuyện đó lâu rồi không xảy ra, từ cái ngày thằng Thành tuyên bố làm đám cưới và ở luôn bên vợ ngoài phố. Bố mẹ nó đi ra một chuyến xong về buồn hiu, bà Sáu cứ đi tới đi lui than thở: “Chắc sau này tui cũng không được bồng cháu nội quá ông...”. Ông Sáu không nói gì, nhấp ngụm trà rồi nhìn ra trước mặt thấy mênh mông là nước, mênh mông là trời.

Nhà ông Sáu kế bên nhà con Út (nói kế bên chứ muốn đi sang nhà hàng xóm cũng phải lội qua một con đường đất dài, hai bờ lau sậy mọc trắng). Lúc nhỏ, Út thường lon ton qua theo anh Thành đi câu cá, bắt nhái và bẻ bần. Thành luôn xem Út là em gái và chăm chút cho cô như đứa em út bé bỏng trong nhà. Anh luôn xoa đầu cô cười hiền mỗi khi cô nũng nịu đòi một thứ gì đó. Thường thì anh không từ chối cô bất cứ điều gì. Ngoại trừ lần cô thuyết phục anh ở lại Cù Lao.

Không ồn ào như ở ngoài xóm, trong nhà con Út yên lặng hơn, không khí chùng xuống như báo hiệu một cơn mưa xối xả sắp ập xuống căn nhà yếu ớt vì thiếu bàn tay đàn ông chăm sóc. Sau bữa cơm chiều, con Út nhẫn nhịn dọn mâm, đũa, xoong nồi xuống bến kì cọ một mình. Bốn người phụ nữ còn lại việc ai nấy làm, cố gắng không nhìn vào mắt nhau. Sau bữa cơm, mẹ con Út ra chuồng heo sau nhà, công việc quen thuộc đến mức nếu như không ra đó bà sẽ chết mất. Từ ngày về nhà này làm dâu, bà luôn làm bạn với chúng, cô gái xứ ruộng về làm dâu Xóm Cù Lao cũng mang theo nhiều buồn tủi.

Út thường nhớ tiếng thở dài của bà và giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong chái bếp. Lần nào cũng thế nhưng không hiểu sao lúc này lại làm Út bâng khuâng đến lạ? Phải chăng vì giờ đây Út đã là cô thiếu nữ, cuộc sống xa nhà tập cho Út biết thương những người thân trong gian nhà rộng này. Những con người luôn chứa đựng trong tim mình những nỗi đau chồng chéo lên nhau.

Màn đêm buông xuống nhanh chóng. Út một mình ra phía trước nhìn lên trời đầy sao. Những ngôi sao nhấp nhánh như hàng ngàn viên bi của ai đó rải lên vũ trụ đang tỏa sáng. Út thấy thương quê mình quá đỗi. Buổi tối ở quê chỉ có tiếng ếch nhái kêu râm ran, lâu lâu lại có thể nghe thấy tiếng một con cá dưới sông quẫy đuôi đánh “tách... tách...”. Ở thành phố nơi Út đang trọ học làm sao có thể nghe những âm thanh thân thuộc như thế. Út thấy nhớ. Dù đang bước những bước chân trên chính mảnh đất quê mình nhưng Út vẫn thấy nhớ không thôi. Có lẽ, trên những kí ức về quê hương của Út luôn có anh dự phần vào. Út thầm nghĩ: “Không biết anh có hạnh phúc bên gia đình vợ? Có khi nào anh dừng lại rồi… rồi giật mình nhận ra mình phũ phàng với gia đình và mảnh đất Cù Lao này không ta?”. Chắc anh không nhớ đâu. Bởi quyết định ấy đã được anh dự định từ lâu. Út còn nhớ có những lần anh rủ Út đi câu cá trong mương của ông Tư Méo, rồi chiều về, khi đi ngang qua nhà Út, anh luôn nhìn ra ngoài sông lớn, ánh nhìn như có nước. Anh hỏi Út có biết là thứ gì ở bên bờ bên kia không. Là ước mơ đó Út. Út nhớ lại có những lần theo ghe cô Ba đi công chuyện, Út đã nhìn thấy bờ bên kia, nào là những người, cần xé thúng mủng chất đầy lên nhau. Những tiếng rao xen lẫn với tiếng chửi thề, tiếng con nít khóc, những tiếng còi xe hỗn tạp thi nhau vang lên chát chúa đập vào tai Út nghe ong ong. Út thấy lòng mình lặng đi trong khoảnh khắc khi nhận ra mình không hề dự phần vào ước mơ và tương lai của anh.

Trong nhà vang lên tiếng hắng giọng ho khục khặc của bà. Lần về thăm nhà này Út thấy bà ho nhiều hơn, những nếp nhăn hiện rõ hơn trên khuôn mặt già nua vì năm tháng, vì đợi chờ và cô quạnh. Cả đời bà dành trọn cho xứ Cù Lao và gia đình, cả đời bà đợi chờ ông. Nhưng ông đi rồi không quay lại, cả người con trai duy nhất cũng đi biền biệt không về. Những giọt nước mắt đã khô quánh lại theo cùng năm tháng mòn mỏi. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt hõm sâu của bà (cả của mẹ và cô Ba) rồi tự hỏi, đàn bà cả đời chịu khổ vậy sao? Chịu hiu quạnh vậy sao? Út rùng mình quay đi, nó sợ mình sẽ bị lạc trong ánh mắt buồn thăm thẳm ấy, sợ một ngày không thể chịu nổi cái buồn tẻ nơi đây, rồi Út cũng sẽ chạy máy qua bên kia bờ, đón xe đò lên phố rồi trốn trong mùi xe khét lẹt, trong những dãy nhà cao tầng nối đuôi nhau. Trời ơi, Út sẽ trở thành kẻ phản bội mất thôi!

Anh ít khi về, từ ngày ra phố học, anh như bặt tăm. Lâu lâu có thấy bức thư anh gửi về cho ông bà Sáu, trong thư có nhắc đến Út. Cầm bức thư trên tay, Út thấy anh như xa xôi vời vợi. Út ra bờ sông, nhìn sang bên kia chỉ thấy những con sóng nhấp nhô và vài chiếc ghe nhỏ xíu như một dấu chấm trên trang vở học trò. Thầy Hưng bảo anh phải cố gắng học nhiều lắm mới bằng chúng bạn ngoài phố. Rồi Út sẽ ra đó, sẽ quay cuồng với bài vở, với mùi bụi đường và cái nắng như cháy da khét tóc. Sẽ chẳng có thời gian, như anh bây giờ nên đừng trách phiền anh. Út cười, ừa, mình đâu có trách anh, mình chỉ buồn thôi.

Nỗi buồn như sương vương vào những nhánh bần trước ngõ của những buổi sáng sớm. Nó mau chóng tan mau khi nắng lên nhưng lại xuất hiện vào sáng hôm sau khi ông mặt trời còn ngái ngủ. Nghĩa là nó luôn hiện hữu, như mạng nhện vướng tim người.

Mẹ thôi lục đục dưới nhà, bà nhẹ nhàng đến bên Út nhắc nhở nó đi ngủ, mai còn dậy sớm bắt xe đi về trường. Nhắc thì nhắc vậy thôi nhưng mẹ vẫn ngồi xuống vuốt vuốt tóc con gái. Bà thấy xót xa, con nhỏ ốm hơn lần trước nhưng lại xinh đẹp hơn hẳn, con gái không cần phải quá đẹp chỉ cần mạnh mẽ. Cả đời bà chôn chân ở xó quê heo hút này, quanh quẩn với vườn cây và heo gà. Rồi nét đẹp sẽ chớm phai tàn nhường chỗ cho dấu vết tháng năm in hằn trên khuôn mặt. Thật lòng bà muốn con Út đi. Bà không muốn nó như bà, nó còn trẻ thì nên bay nhảy, nên tìm cho mình một ước mơ. Nửa đời người bà héo hon vì chờ đợi, vì yêu người đàn ông có quá nhiều hoài bão lớn nên bà không thể níu chân người nơi xóm Cù Lao hiu quạnh.

Bà lại trở mình lần nữa. Có lẽ đêm nay là một đêm dài. Màn đêm u tịch lại dày thêm như mang theo nhiều nỗi niềm của kẻ xao lòng. Út nghĩ đến ngày mai. Ngày mai, Út sẽ đi qua con đường đất ngang nhà của ông bà Sáu để quá giang ghe ông Tư Méo qua bờ bên kia. Lần nào cũng vậy, nó sẽ lại ngó vô nhà bắt gặp hình ảnh ông bà đang làm gì đó, lưng còng thêm không vì mưa nắng. Những lúc như thế Út chỉ muốn chạy nhanh sang nhà vợ của anh, nhắn với anh một tiếng, về nhà đi anh! Nhưng lần nào cũng vậy, Út không đủ can đảm... Anh và nó sống cùng một thành phố, vậy mà chẳng mấy khi vô tình gặp mặt nhau trên đường. Út nghĩ biết đâu đó lại là điều may, nếu lỡ như gặp nhau trên phố thì biết nói gì đây? Bảo rằng ông bà Sáu rất nhớ anh, rất mong anh? Em cũng mong anh về, cùng đi trên con đường đất hai bên đầy lau sậy để sang nhà ông Tư Méo câu cá, bẻ bần? Hay là, trời ơi, nhìn anh khác quá ta, có bụng bia rồi kìa, con anh nó dễ thương quá trời quá đất, hạnh phúc quá ta ơi! (?!)... Út thở dài, thôi, anh đã yên phận rồi gặp làm chi cho anh bận lòng, mặc dù nó rất muốn anh bận lòng một lần lắm chứ.

Thi thoảng, Út tự hỏi rằng không biết Kiên có như anh không? Cậu là con trai phố, hiền lành nhưng trắng trẻo. Cậu chưa bao giờ đi đâu ra khỏi khu mình đang sống, những con phố quen thuộc. Rồi nó tự tưởng tượng nếu cậu về quê mình sẽ sao ta? Sẽ sung sướng hít căng lồng ngực không khí trong lành hay thất vọng tràn trề khi nghe tiếng ếch nhái kêu ran vào những đêm mưa? Và sáng hôm sau, liệu cậu có tìm cớ để quá giang ai đó đi qua bờ bên kia rồi không quay lại? Nếu như một ngày nào tình cờ gặp nhau trên phố, Út sẽ đối diện như thế nào với ánh mắt cụp xuống và cái quay đầu nhanh đến nỗi không ai ngờ rằng hai đứa nó đã từng là một đôi?

Ngày mai Út sẽ một mình ra phố. Quay lưng lại với xứ sở và con người đã từng cưu mang cô trong suốt tuổi thơ mình. Út sẽ là cô gái của thành thị, quay cuồng trước những vòng quay tất bật, hối hả trong dòng xe cộ đông nghẹt và không để lỡ mất một phút giây nào của cuộc sống. Nhưng Út biết lần này cô không thể nào yên lòng làm một cô gái phố thị hoàn hảo. Bởi Út sẽ không quên cái xóm Cù Lao bé nhỏ mà nghĩa tình. Út không thể là một người phản bội lại quê hương. Út quyết định sẽ quay về, sẽ yêu thương và bảo vệ những con người mà cô hết sức yêu quý. Dù cho phải thực hiện điều đó một mình.

Rồi sẽ có một chàng trai sẽ cùng Út ngồi trên chiếc vỏ lãi quay lại xóm này. Người đó dù có là Kiên hay không đi nữa thì phải có đủ dũng cảm và thấu hiểu để yêu tha thiết nơi đây. Út tin là vậy!
Di Nhiên
Giờ học sử khó quên
Giờ học sử khó quên

Chẳng hay thầy Tài thông tuệ binh pháp tới đâu mà chưa sinh hoạt lớp lần nào, đã cho gọi lớp trưởng lên văn phòng nhận những quyển Tam Quốc (do các thầy cô thu giữ) và dặn: Sáng chủ nhật lớp mình được ưu tiên ngoại khóa về Tam Quốc đấy! Em báo tin để các bạn đi đủ nhé!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN