Giờ học sử khó quên

Chẳng hay thầy Tài thông tuệ binh pháp tới đâu mà chưa sinh hoạt lớp lần nào, đã cho gọi lớp trưởng lên văn phòng nhận những quyển Tam Quốc (do các thầy cô thu giữ) và dặn: Sáng chủ nhật lớp mình được ưu tiên ngoại khóa về Tam Quốc đấy! Em báo tin để các bạn đi đủ nhé!

Cả lớp im lặng như co mình thủ thế. Có thể nói sự im lặng làm cho những ai đó yếu bóng vía phải rợn người.

Thầy tung tung viên phấn trên tay, vào đề:
- Nhân vật nào nổi trội giữa ba quân đấy nhỉ?
- Khổng Minh ạ. Tào Tháo chứ. Thua Chu Du hết. Chỉ đáng là học trò của Bàng Thống thôi! Tư Mã Ý mới là đại tài!? Quan Công cùng Ngũ hổ ạ, Thái Sử Từ đấy! Thua xa Điển Vi nhá..!? Như cái lò xo bị nén chặt được bung ra hết cỡ. Cả lớp đua nhau nhao nhao.

Thầy ra dấu, cả lớp trật tự.
- Xem Gia Cát tiên sinh có tài gì nào? Thầy viết hai chữ Khổng Minh rõ to giữa bảng.
Thằng Huýnh được thầy nhờ vẽ. Ngay tức khắc Khổng Minh chỉnh chện áo mũ với tiểu đồng phe phẩy quạt lông hiện lên bằng những nét phấn đủ màu.
Cả lớp vỗ tay rần rật.
Ngay phía dưới thầy gạch các gạch đầu dòng theo tiếng đồng thanh:
- Lừa Tào Tháo lấy tên.
- Lừa Chu Du lấy Kinh Châu.
- Lừa Tư Mã Ý vào hang để nổ địa lôi.
- Gẩy đàn đuổi Tư Mã Ý.
- Chửi thẳng mặt làm Vương Lãng mất mạng.

Thầy dừng viết, quay lại âu yếm nhìn đàn em với sở thích đang khát khao cần định hướng, tâm hồn đang mong được đón nhận, học thức đang cần được mở mang.
- Đúng! Khổng Minh còn có nhiều mưu lược nữa! Nhưng...! So với cha ông ta thì thua kém nhiều lắm! Có thể coi như trò chơi con trẻ! Thầy khẳng định.

Nhiều đứa đỏ mặt phản đối, vài ba tiếng hậm hực. Có đứa còn xì mũi, nhổ nước bọt.
- Ta đem việc một đấng quân sư bày mưu tính kế chỉ để lấy về thứ tầm thường là mũi tên tre, mà mũi tên tre thì đàn bà, trẻ con cũng vót được so với các chiến sỹ tay không, chân đất chỉ trong nháy mắt lấy được cả thành lũy, sinh mạng, vũ khí khí tài của giặc mà các thứ này chỉ có ngành công nghiệp quốc phòng mới sản xuất được! Trận Phay Khắt, Nà Ngần đấy! Oách chưa! Hảo hán nào bằng! Hãnh diện chưa từng có nhé!
- “Đây nói” Khổng Minh nhử được Tư Mã Ý vào hang để nổ địa lôi, nhưng gặp mưa, địa lôi tịt, phí công vô ích là do Khổng Minh hấc lơ, không biết đề phòng bất trắc.
- Nhưng...! Nhưng cũng nhử quân Nam Hán vào tử trận. Chờ khi thủy triều hạ. Ngô Quyền phát lệnh. Đại quân ta đánh chặn đầu ba bề bốn bên dậy trời trống mõ. Tên bắn như mưa. Tiếng hò reo như sấm dậy. Giặc quay đầu chạy. Chạy! Chạy hả! Có mà chạy đằng trời. Đầu cọc nhọn như có mắt thần cứ nhè chiến thuyền giặc mà đâm, mà phá vỡ tan tành. Thuyền của quân ta thả sức phóng trên mặt nước như tên. Máu giặc đỏ cả khúc sông, ra tận ngoài cửa biển. Cờ xúy xâm lăng gói không hết xác giặc. Sông Bạch Đằng lẫy lừng chiến thắng. Vua tôi nhà Hán ôm nỗi nhục suốt đời!
Giọng thầy sang sảng. Ngô Quyền đánh thắng kẻ xâm lược hùng mạnh rất là nhàn nhã y hệt như lớp mình vẫn chơi trò đánh trận giả vậy thôi!

Chúng tôi, mặt đứa nào đứa nấy đều hớn hở.
- Ai có thể cho cả lớp biết: tại sao cọc nhọn chỉ phá thuyền của giặc mà không phá thuyền của ta? Ai. Ai nào? - Thầy vui vẻ đưa mắt khuyến khích cả lớp. 

Tất cả chúng tôi đều rất đăm chiêu, chẳng đứa nào nói ra nhưng tất thẩy quyết không chịu thua bạn một ly, vì tất cả đều tự xếp mình vào hàng đệ nhất rành rõi binh pháp cơ mà. Giá mà thầy hỏi về Tam Quốc thì hay biết mấy!?
- Đâu rồi! Các quan văn, tướng võ đâu cả rồi?
- Tờ-ít-tít nặng tịt! Tịt rồi phải không!
Bất thình lình, thầy giang rộng hai tay, cười lớn:
- Ha ha! Tịt thật rồi bà con ơi!

Tiếng cười to của thầy cuốn theo cả tiếng cười hồn nhiên của cả lớp. Mà không hề có đứa nào phản ứng vì bị bêu xấu như mọi khi. Và sao thấy vui vẻ thế, thấy chan hòa, thân mật thế.
- Vậy là binh pháp thời Tam Quốc hoàn toàn không giúp các em học giỏi lịch sử nước mình rồi!
Ngay tức khắc thầy giảng giải:
- Vì sao!... Vì mực nước thủy triều cao thấp qua từng giờ, từng khắc. Thủy triều đã làm mù mắt giặc khi chúng hùng hổ xấn vào. Vì thuyền giặc to, nặng. Vì thuyền ta nhỏ, nhẹ... Nhưng chung quy tất cả đều vì tình yêu quê hương, đất nước nên ông cha ta đã biến thủy triều thành thứ vũ khí cực mạnh mà giặc không thể nào kháng cự được. Thủy triều đã nâng bổng thuyền ta, để quân ta cưỡi trên đầu giặc mà phất cờ chiến thắng. Thủy triều cuốn đi, chôn vùi tất thảy mọi thứ hôi tanh dưới lòng biển cả. Sông Bạch Đằng lẫy lừng chiến công. Vua tôi nhà Hán ôm nỗi nhục suốt đời. Thầy nhắc lại, giọng càng thêm sang sảng.
- Khi tập hợp sức dân theo nghĩa quân Lam Sơn để đánh giặc. Nguyễn Trãi đã cho người lấy mỡ, mật viết chữ lên rất nhiều lá cây ở đầu nguồn. Do kiến ăn phần lá cây có chất ngọt, béo nên tạo ra chữ khắc trên lá. Lá cây nghiễm nhiên là ngàn vạn tờ rơi, ngàn vạn truyền đơn sinh thái được gió, nước đầu nguồn mang đi ban phát cho muôn ngả. Người người nhặt được, truyền tụng coi như là điềm trời ứng báo, rủ nhau về tụ hội giúp vua Lê đánh giặc. Binh pháp của ông cha ta tài hơn, mưu lược gấp nhiều lần trong Tam Quốc. Thầy trịnh trọng nhấn điểm.

Cả lớp im phăng phắc, tưởng như nghe được cả tiếng của những bụi phấn rơi trên bục giảng. Thầy tiếp:
- Tài chuyển quân thần tốc của người Anh hùng Áo Vải đã chiếm lĩnh đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự. Hàng vạn nghĩa sỹ cùng với binh khí, quân lương đã vượt qua hàng mấy trăm cây số chỉ trong thời gian ngắn mà quân giặc ngạo mạn còn đang say men, chưa tàn cuộc nhậu, đã bị tan tành trong bão táp trận mạc nên phải quì gối cúi đầu nộp mạng. Cho mãi tới bây giờ binh pháp ấy vẫn đang còn là một ẩn số, đang làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu khoa học quân sự. Càng học giỏi, học lên cao nữa, các em còn được biết nhiều điều thú vị, bổ ích hơn kia đấy!

Thầy đưa việc Khổng Minh gẩy đàn đuổi Trọng Đạt mà chỉ dám cho quân mai phục khua trống hò reo chứ không dám đánh, ra so sánh với kế “Dùng quân mai phục, lấy ít thắng nhiều của Nguyễn Trãi” và chiến lược “Vườn không nhà trống” của Trần Hưng Đạo.

Tất cả chúng tôi đứa nào đứa nấy ngồi bất động, mặt ngây như phỗng vài đứa thở dài vẻ tiếc nuối như thể cụ non.
- Đừng cho rằng những lời chửi bới của Gia Cát Lượng trước mặt Vương Lãng là to nhá! Nó chỉ đáng là một hạt vừng trong bồ vừng, cót vừng là bài Nam Quốc Sơn Hà thôi! Bài thơ có 28 chữ do danh tướng Lý Thường Kiệt đọc bên bờ sông là chiến tuyến. Bài thơ khẳng định sự diệt vong của loài lang sói xâm lăng, làm cho quân giặc run sợ mà tiêu tan nhuệ khí. Bài thơ đã nhân lên vạn lần chí khí dũng mãnh của đội quân xông xáo nơi trận mạc, coi cái chết nơi trận tiền là niềm kiêu hãnh, quyết chí lấy hết đầu giặc để thỏa chí nam nhi trong thời khói lửa binh đao. Bài thơ khẳng định thắng lợi tất yếu của một dân tộc quyết giữ gìn quê cha đất tổ. Sông Như Nguyệt rạng rỡ chiến công, vang mãi bản Tuyên ngôn Độc Lập đầu tiên!

Thầy muốn cho chúng tôi uống từ từ những dòng lịch sử tươi mát, đậm đặc dưỡng chất. Thú thật: Những lời này của thầy có phải là những lời mà lần đầu tiên trong đời học sinh chúng tôi nghe được hay không thì chả đứa nào nhớ nổi. Nhưng mà sao... mà sao nó hấp dẫn, lôi cuốn... dễ nhớ, dễ gần, dễ cảm nhận và dễ dễ... đến thế.

Phân nửa lớp khoanh tay trên bàn, miệng há hốc, mắt mở căng tròn. Số khác hai tay chống cằm, nét mặt trầm ngâm, dáng vẻ đăm chiêu tư lự.
Phần bảng còn lại được thằng Huýnh vẽ đủ mặt các anh tài: Chu Du, Tào Tháo, Tư Mã Ý, Điển Vi, Tôn Sách...
Thằng Huýnh bẻ nát mấy viên phấn, ném mạnh xuống đất, nó chạy về ngồi cạnh cái Xim và gục mặt xuống bàn khóc hu hu.
Thầy Tài đến bên, đặt tay lên đôi vai rung rung của nó. Bất ngờ, thằng Huýnh đứng phắt dậy. Thằng Huýnh ôm chầm lấy Thầy. Nước mắt nó làm ướt sũng làn áo trên khuôn ngực nóng bỏng xốn xang của thầy.
- Thầy ơi! Em khổ quá! Em vẽ được người ta mà không vẽ được người nhà mình.

Thầy Tài thấy nghèn nghẹn ở cổ. Nước mắt của thầy trào ra, nhỏ xuống lưng thằng Huýnh.
Nước mắt của người thầy như luồng sinh khí, đầy sức truyền cảm dội vào tâm hồn thằng Huýnh và cõi lòng của mọi đứa chúng tôi niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nước mắt của đứa học trò nghịch ngợm làm cho người Thầy vững tin hơn trước một hoàn cảnh, một tình thế. Nước mắt của người thầy như gột rửa những bụi bặm, sai lệch của học trò. Nước mắt của người thầy như trận mưa lớn trên đồng khô cỏ cháy, bù đắp những khát khao thiếu hụt. Nước mắt của thầy như hạt giống tốt nảy mầm trong tâm hồn thơ trẻ chúng tôi. Nước mắt của học trò là sự gửi gắm, tin tưởng, mong chờ, hứa hẹn...

Không khí im ắng... Bên tai chúng tôi vang vọng tiếng gươm khua, sang sảng tiếng hô Sát Thát, tiếng hò reo chiến thắng. Lẫn trong rừng người với rực rỡ cờ hoa có cả các cụ phụ lão nặng trĩu tay nải nào chuối, nào khoai đón chào đoàn quân ca khúc khải hoàn...
- Thưa thầy? Những người thầy vừa kể có ở quyển nào ạ? Cái Xim đứng lên, hỏi, giọng nó đượm vẻ khao khát đợi chờ.

Thầy chậm rãi đi qua từng bàn, xuống tận cuối lớp rồi quay nhanh lên bục giảng, cặp mắt sáng nhìn về một nơi đâu đó xa vời:
- Đây là món nợ của các sử gia và nền văn học nước nhà. Hãy chăm ngoan, học giỏi mai này các em sẽ là những đại văn hào viết nên những tiểu thuyết đồ sộ mà vì nhiều lý do khác nhau các bậc tiền nhân chưa làm!
- Chúng em không làm được đâu ạ! Lớp trưởng mạnh dạn, khiêm tốn.
- Được! Được chứ! Thầy tin thế hệ các em sẽ có người làm được!
Truyện ký: TRẦN AI
Đêm độc thân
Đêm độc thân

19 giờ 30 phút. Đêm. Mai gọi điện đến í ới. Yên ơi Yên à! Đến phòng tao, làm tiệc độc thân đi chứ. Mày cứ ở yên đó, 10 phút sau có tài xế đến đón. Vậy thôi nhé!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN