Cố nhân

“Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)


Ông Thọ cựa mình: - Nước! Khát! Khát quá!

Bà Thọ nâng ông dậy rồi ghé ca nước lên miệng cho chồng. Ông vừa ừng ực uống vừa đón nhận sự mát mẻ, dịu dàng từ đôi bàn tay vợ xoa bóp những chỗ đau trên người - những vết thương thời xưa đang hành hạ mỗi khi trở trời và căn bệnh ung thư xương giai đoạn cuối đang làm ông kiệt sức...

Một cơn nhói thốc đến như có ai đang khoan vào xương, ông oằn người. Qua làn sương mờ đục, ông thấy một khuôn mặt cúi xuống lúc tỏ lúc mờ tròn vành vạnh, nét mày đen nhánh, ông thốt lên “Minh! Minh!”. Rồi lại xỉu đi. Bà Thọ cuống quýt tiêm trợ lực, ông tỉnh dần, ngơ ngác “ Em đâu rồi? Minh đâu?”.

Sống với nhau chưa bao giờ ông gọi bà là “em”. Giờ hiểu nỗi lòng ông, tự ái dâng lên bóp nghẹt trái tim bà. Phải rồi! Lấy nhau hơn hai chục năm giời, tình nghĩa vợ chồng chẳng gì cũng là tình nghĩa tao khang. Vậy mà lòng ông ấy vẫn còn hướng về một phương trời khác. Bà tê tái buồn.

Ông Thọ lại thiếp đi. Chập chờn trước mắt ông một làng quê miền núi xanh ngắt chè. Đơn vị ông đóng chốt trên một đồi chè của gia đình người Tày mà trước đây tổ tam tam đóng quân nhờ. Gia đình bà chủ nhà lên hái chè, có cả cô con gái rượu đang học năm cuối trường Sư phạm tỉnh về nghỉ Tết. Ba chàng lính chốt ra giúp sững sờ trước “cô chủ” có đôi mày cong vút, đen nhánh, bộ trang phục chít vào người và chiếc khăn đen ôm gọn khuôn mặt bầu bĩnh, trắng hồng làm nổi bật vẻ đẹp thiếu nữ Tày trinh khiết. Các chàng lân la gợi chuyện cô gái. Chỉ có Thọ xấu hổ không dám đứng gần cô. Anh vừa tập hái chè “Một tôm, hai lá”, vừa nói chuyện với mẹ cô. Đôi lúc Thọ nói nhầm, anh gượng gạo, hai tai đỏ rần rần...

Cuối cùng, Thọ cũng lọt được vào đôi mắt xanh của cô gái trong những ngày nghỉ Tết. Anh thấy tự hào và hạnh phúc. Những lần tập trận vất vả, nỗi buồn xa nhà và cái giá lạnh đặc biệt của miền núi đều bị xua tan mỗi khi anh gặp cô. Nghe cô nói, nhìn cô cười, chàng lính trẻ lại trằn trọc suốt đêm tập làm thơ, ghi nhật kí.

Những ngày nghỉ Tết nhanh chóng qua đi, Minh về trường mang theo hồn vía của Thọ. Anh ngẩn ngơ hàng tuần thì chiến sự ập đến. Sang ngày thứ mười ba, Thọ bị dính mảnh đạn pháo vỡ xương đùi, được đưa về bệnh viện tỉnh. Minh nghe tin, đi bộ mười cây số ra thăm anh, gục mặt xuống mép giường khóc ròng. Hàng tuần liền, cứ hết giờ học cô lại đi bộ ra chăm sóc anh. Cô vừa bón cháo, vừa thủ thỉ đủ chuyện trên trời dưới đất, khiến anh quên đau đớn và cứ muốn được cô chăm mãi.

Một chiều muộn trước khi về trường, Minh rơm rớm nước mắt:

- Anh đau mà Minh chẳng làm gì giúp anh được. Minh tặng anh tấm ảnh này, coi như đây là Lục mệnh* của Minh.

Thọ nắm bàn tay Minh ấp vào mặt mình và hôn mãi lên bàn tay ấy. Anh nghẹn ngào: “Cám ơn cuộc đời đã mang em đến cho anh. Minh ơi! Nếu anh còn sống, anh còn đi tìm em!”. Thọ không ngờ ngay đêm hôm đó, anh được chuyển lên tuyến trên rồi bặt tin cô từ ấy. Địa chỉ của cả hai người chưa kịp cho nhau.

Ra viện, xuất ngũ, chàng thương binh Thọ tiếp tục nhập trường đại học Thủy lợi, anh không bỏ qua một cơ hội nào tìm cô. Anh từng ôm tấm ảnh của Minh, ôm cả một niềm hy vọng lớn lao về nơi cũ hỏi thăm tất cả những người anh gặp. Không một ai biết gia đình phiêu bạt nơi đâu? Lõm bõm có tin Minh theo chồng vào Nam. Lại phong thanh hung tin Minh đã mất hàng chục năm vì trọng bệnh. Sự vô vọng khiến mái tóc Thọ nhuốm bạc. Cuối cùng anh gặp Hương khi mà áp lực của gánh nặng tông đường trĩu nặng trên vai ...

Bà Thọ nhẹ nhàng đắp tấm chăn ngang ngực cho ông. Hơn hai mươi năm, ông ấy sống chu đáo với vợ con. Khi đứa con đầu lòng ra đời, ông nội muốn đặt tên cháu đích tôn theo dòng họ Lưu Đình nhưng Thọ một mực lấy đệm Minh. Ông giải thích: Minh có nghĩa là sáng, sau này nó sáng sủa học hành tấn tới. Đứa thứ hai cũng mang đệm ấy. Cả dòng họ ông không ai lấy đệm khác cho con trai ngoài chữ Đình, chỉ ông hiểu việc làm khác thường của mình.

Đoạn phim quá khứ từ từ quay tiếp. Một lần, vì một sự tình cờ khi gặp đồng đội cũ trong cuộc hội ngộ Hội Cựu chiến binh Sư đoàn năm xưa mà Thọ đã tìm thấy cố nhân. Ông sững sờ khi Minh vẫn ở một mình. Cô ấy mãi hoài niệm một hình bóng không phai mờ.

... Minh bàng hoàng khi thấy anh bằng xương bằng thịt hiện lên trước mắt cô. Mọi hờn dỗi, trách móc, những giọt nước mắt khổ đau và hạnh phúc, những nụ hôn cháy bỏng cứ ào ào mãnh liệt... Thọ không ngờ tuổi hơn bốn mươi của Minh vẫn căng đầy nhựa sống và vẹn nguyên, trinh khiết. Phải! Cô đã chờ đợi anh! Trời sinh cô cho anh cơ mà! Trời sinh người đàn bà này để cho người đàn ông này yêu thương! Không biết bao lần anh thốt lên: “Anh yêu em! Anh đã tìm em suốt cuộc đời! Anh yêu em vô cùng!”...

Bà Thọ lau mồ hôi cho chồng. Ông ấy sống nội tâm không dễ thổ lộ chuyện thầm kín ngay cả với người vợ đầu gối má kề. Nhưng chuyện tình của ông ấy làm sao mà giấu nổi con mắt thiên hạ. Bà đã truy xét ông. Bà đã rủa thầm “con đĩ!”. Bà đã tính chuyện đánh ghen! Bà đã định ly hôn! ...Rồi lại nghĩ cô ấy là người con gái đầu đời của chồng mình, chỉ vì chờ đợi mà lỡ thì... Bà cay đắng, vừa giận vừa thương nhìn chồng trong những cơn mê sảng chỉ gọi tên người yêu thuở trước. Lòng bà quặn đau khi nghĩ trước mắt chồng mình bây giờ chỉ có người ấy!

Thế nhưng, những lúc nhìn chồng vật vã quằn quại khi cơn đau hành hạ, bà lại quên tất cả, chỉ còn tình thương không kể xiết với chồng. Có thể phần đời còn lại ngắn ngủi của ông trước khi về với Tiên tổ sẽ được an ủi chút ít nếu gặp lại người xưa? Vấn đề bây giờ là địa chỉ của cô ấy?

Nghĩ sao làm vậy, bà lên gác vào phòng làm việc của ông. Ở đó, có một chiếc hòm gỗ nhỏ lúc nào cũng khóa im ỉm, ngoài ông ra không ai sờ đến bao giờ. Bà lần tìm chìa khóa mở. Trong đó có một tập tiền và hai bì thư. Bà run tay mở bì thư gửi cho bà. “Mình! Tôi ngàn lần xin lỗi mình về những việc tôi đã gây ra cho mình phải phiền lòng vì tôi. Hai mươi ba năm qua sống với nhau, tôi chưa toàn tâm toàn ý với mình bởi vẫn còn nghĩ đến người yêu cũ và mối tình đầu tuyệt đẹp của chúng tôi... lần đầu gặp lại cách đây ba năm tôi không ngờ cô ấy vẫn chờ đợi tôi, chung thuỷ, trắng trong và tốt bụng, luôn khuyên tôi chu đáo với mình và các con.... Tôi cảm thấy có lỗi với cô ấy... Tôi dành dụm sau mỗi công trình được món tiền nhỏ, tôi muốn tặng cho cô ấy sau khi tôi mất. Đây là địa chỉ của Minh. Mình hãy coi bức thư này là bản di chúc của tôi...”.

Bà Thọ tò mò mở tiếp bì thư còn lại. Nhìn những dòng đầu bà đã xây xẩm:

“Em thân yêu! Vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà chúng ta không thể sống được với nhau. Quãng thời gian quân ngũ của anh tuy ngắn ngủi nhưng lại là quãng đời đẹp nhất bởi có em. Trái tim anh luôn có em trong đó, mãi mãi trắng trong và bất diệt. Anh muốn có em suốt cuộc đời này, nhưng không thể ích kỷ giữ em cho mình. Em hãy lấy chồng đi. Còn anh dù có ở sâu ba tấc đất vẫn cầu nguyện cho em hạnh phúc... hãy vui lòng nhận món quà nhỏ của anh, em nhé!...”.

Tận sâu thẳm tâm hồn, bà Thọ ghen với cô ấy. Ý nghĩ tha thứ ban đầu xẹp xuống. Hờn giận, đau đớn, tủi thân, bà lừ lừ bước tới bên chồng. Nhìn ông đang thiêm thiếp, bà muốn dựng ông dậy mà trút những nỗi bực dọc tích tụ hàng năm nay như một bọng nhọt sắp vỡ. Đã từng rau cháo nuôi con trong những ngày vất vả nhất để ông đi nước ngoài hưởng sung sướng một mình. Đã làm trọn bổn phận dâu trưởng trong dòng họ Lưu Đình. Rồi khi ông ấy ốm nặng còn ai chăm sóc ngoài bàn tay gái già này! Vậy mà ông ấy tệ bạc với bà như vậy đó! Lại còn lấy tên “con ấy” ra để gắn vào tên con mình! Bà tưởng tượng “con ấy” ăn trắng mặc trơn, bòn rút tiền của và sức lực của chồng bà! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau bị phụ bạc! Thây kệ ông ta đau đớn trong nỗi đau thể xác lẫn tinh thần! Để trước khi về với cát bụi hãy sám hối lấy một lần về những tội lỗi mà ông ta gây ra cho vợ! Hãy để cho con đàn bà ấy về đây mà chăm sóc “người yêu dấu!”...Bà giao việc đi đón Minh cho con trai cả.

Ba ngày sau.

Minh xuất hiện trước bà. Mặt tròn, nét mày đen nhánh, cong vút, nhưng bơ phờ mệt mỏi, hai mắt sưng húp. Không nén được bình tĩnh, bà hằm hằm:

- Con kia! Ông Thọ gần chết rồi, về mà rước ông ấy đi cho sướng cùng nhau!

Minh sững người, cô chưa nghĩ đến tình huống này. Hôm trước, một thanh niên lạ đến tìm cô, tự giới thiệu và nói đến bệnh của cha mình, Minh khóc ngất. Lần cuối cùng gặp nhau, anh vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy mà bây giờ, tin anh đến đột ngột và thê thảm. Cô vội vàng thu xếp công việc đến ngay với Thọ. Nhưng chân ướt chân ráo đến nhà đã bị vợ anh ấy phủ đầu như vậy. Cô vụt cứng rắn:

- Chị Hương! Em có lỗi với chị và gia đình. Nhưng em không hề có ý nghĩ lội vào hạnh phúc gia đình người khác. Cái em quan tâm bây giờ là sức khỏe của anh ấy. Và nếu chẳng may anh Thọ có mệnh hệ gì thì em muốn cả hai chị em ta hãy làm một điều gì đó để anh ra đi thanh thản.

Bà Thọ không thể nói được điều gì nữa. Cả bà và Minh nấc lên nghẹn ngào. Giờ bà mới hiểu vì sao chồng bà yêu Minh đến thế.
Minh lau nước mắt bước vào phòng bệnh. Bà Thọ cùng con ý tứ bước ra ngoài sân.

--------------------------------
Lục mệnh: Theo phong tục người Tày: Lục mệnh là tờ giấy đỏ có ghi giờ, ngày, tháng, năm sinh của cô gái. "Lục mệnh" được coi như vật thiêng, báo trước số mệnh của người có tên trong đó. Cô gái Tày khi giao "lục mệnh" cho người con trai, cũng tức là trao hồn vía mình cho người ấy.
Truyện ngắn của Trần Thị Minh
Bà nội của con trai
Bà nội của con trai

Không mang nặng đẻ đau tôi, không ẵm bồng dưỡng dục… không sinh ra người tôi đang gọi là chồng. Rất nhiều chữ “không” … nhưng chỉ duy nhất một từ “có” - tôi có mẹ. Con trai tôi có nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN