Trồng xen cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao hơn. |
Do vậy, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến khích các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên cần nhân rộng các mô hình trồng xen cây mắc ca trong các vườn cà phê vối để không những mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích mà còn có tác dụng phòng hộ cho vườn cà phê. Đồng thời, giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, tái cân bằng tự nhiên, điều tiết và ổn định năng suất cà phê .
Qua thí điểm tổng diện tích các mô hình trồng xen cây mắc ca trong các vườn cà phê hơn 15 ha cho thấy, cây mắc ca đều sinh trưởng, phát triển tốt ở tất cả các mô hình. Vườn mắc ca trồng xen cà phê tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột, Krông Năng (Đắk Lắk)… cho tỷ lệ ra hoa, đậu quả khá tốt, trong khi đó, năng suất vườn cà phê vẫn không thay đổi. Cụ thể, tại các mô hình thí điểm tại các xã Phú Lộc, Đliê Ya, Ea Tân thuộc huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho thấy, nếu trồng 185 cây mắc ca xen trong 1 ha cà phê vối với khoảng cách 9 x 6 mét (3 hàng cà phê xen một hàng cây mắc ca) sau 9 năm năng suất vườn cà phê vẫn không thay đổi (đạt từ 4 đến 4,35 tấn cà phê nhân/ha) mà còn thu thêm được từ 2,81tấn hạt mắc ca/ha/năm. Qua tổng hợp tổng giá trị sản phẩm mỗi niên vụ, các nông hộ có tổng thu trên 396,17 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng thực lãi trên 294,47 triệu đồng/ha/năm. Trong khi trồng thuần cà phê chỉ thu được lợi nhuận từ 93 đến 100 triệu đồng/ha/năm…
Theo Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên có độ cao so với mặt nước biển từ 450 mét trở lên, có nền nhiệt độ lạnh vào khoảng tháng 12, tháng 1 dương lịch, rất phù hợp với cây mắc ca. Bên cạnh đó, thời điểm ra hoa mắc ca nở rộ vào tháng 2, tháng 3 ở Tây Nguyên không có mưa, không có sương giá nên có ưu thế hơn hẳn so với các tỉnh phía Bắc.