Người dân trồng cây mắc ca được đóng bảo hiểm 'rủi ro'

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ III diễn ra ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 17/5, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long ký kết Biên bản ghi nhớ liên kết cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cây mắc ca tại Việt Nam, nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân nếu có rủi ro khi tham gia trồng loại cây này.

Mắc ca là cây trồng mới nhưng là cây nông sản có giá trị kinh tế cao, người dân yên tâm đầu tư vì nếu có rủi ro thì có bảo hiểm cho cây trồng này.


Theo bản ghi nhớ hợp tác, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sẽ nghiên cứu xây dựng các chương trình tín dụng phát triển cây mắc ca tại Việt nam với các điều kiện bảo hiểm chặt chẽ, giới thiệu khách hàng vay vốn trong chương trình này sử dụng các sản phẩm bảo hiểm của Bảo Long.

Cũng trong hội nghị này, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược mới tại tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, 3 bên sẽ phối hợp xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mắc ca; Khảo sát, đánh giá các vườn cây mắc ca có năng suất, chất lượng tốt trên địa bàn; Xây dựng Quy trình kỹ thuật về việc trồng, chăm sóc và thu hoạch đối với cây Mắc ca; Xây dựng mô hình liên kết để cung cấp vốn tín dụng cho hộ nông dân trồng cây Mắc ca và tổ chức truyền thông và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân. Với mục tiêu cùng phát triển mắc ca Việt Nam, trong thời gian qua, LienVietPostBank đã đồng hành với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Him Lam trong việc thúc đẩy chương trình phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng lâm - nông - công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam.

LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam là 2 đơn vị đã cùng lập Đề án phát triển mắc ca tại Việt Nam nhằm đồng hành và giúp việc làm giàu chính đáng cho bà con nông dân trên vùng Tây Nguyên. Dự kiến trong 5 đến 10 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng đầu tư phát triển mắc ca tại Tây Nguyên, trong đó riêng Lâm Đồng trong 5 đến 10 năm tới LienVietPostBank sẽ đầu tư từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng cho mắc ca và phát triển các đối tượng kinh doanh khác. Theo đó, Đề án thực hiện chương trình cho vay vốn phát triển mắc ca của LienVietPostBank, sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm của Công ty CP Him Lam và phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bảo hiểm tiền vay. Mục đích đầu tiên là đồng hành và giúp bà con nông dân Tây Nguyên làm giàu một cách bền vững trên vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng Tây Nguyên phù hợp với cây mắc ca. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của các dự án triển khai. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thì người dân không mất vốn, bởi đã có bảo hiểm tiền vay.


Tin, ảnh: Liên Hoàng

Khảo cứu cây mắc ca trước khi phát triển mở rộng
Khảo cứu cây mắc ca trước khi phát triển mở rộng

Cây mắc ca hiện được trồng chủ yếu ở hai khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên với tổng diện tích khoảng 2.440 ha. Trong đó, khu vực Tây Nguyên chiếm 1.640 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN