Trả lời phỏng vấn báo Đức "Handelsblatt" số ra ngày 5/3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã phản đối việc cô lập Nga dài hạn, đồng thời nhấn mạnh cần tận dung mọi khả năng để tiếp tục quá trình đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine.Theo Ngoại trưởng Steinmeier, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng như cô lập lâu dài Moskva không phải là cách để giải quyết cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thì các bên liên quan cần quay trở lại bàn đàm phán và sử dụng mọi khả năng có thể của mình, ngay cả khi phải tìm kiếm một giải pháp chính trị, vốn mất nhiều năm hay hàng thập kỷ.
Ông Frank-Walter Steinmeier. |
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cho rằng thỏa thuận Minsk chưa hoàn hảo và đây chưa phải là bước đột phá để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại Ukraine. Tuy nhiên, nếu quân đội chính phủ và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine rút vũ khí hạng nặng; lệnh ngừng bắn toàn diện được thực hiện và duy trì; quốc tế có thể viện trợ nhân đạo cho người dân vùng Donbass, thì đây sẽ là kết quả đáng kể.
* Phát biểu trên kênh truyền hình MTV3 ngày 4/3 trong chuyến thăm làm việc hai ngày tới Phần Lan, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố việc gửi quân tới Ukraine hiện không nằm trong chương trình nghị sự của khối. Theo ông Stoltenberg, đối với Ukraine, NATO ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ; tiến trình hòa bình; hiện thực hóa thỏa thuận Minsk, cũng như hỗ trợ cải cách; hiện đại hóa lực lượng vũ trang để tăng cường khả năng quốc phòng. Còn kế hoạch cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này hiện không thuộc chương trình nghị sự của khối và là quyết định riêng của mỗi nước thành viên.
Tổng Thư ký NATO cho rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine khá mong manh, song tạm thời quy chế ngừng bắn vẫn được tuân thủ. Ông Stoltenberg nêu rõ cần tìm giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc xung đột, trong đó, cơ sở cho giải pháp này là các bên tiếp tục tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và hiện thực hóa các điểm khác của thỏa thuận Minsk.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine hồi tháng 4/2014 đến nay, đã có tới 6.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
TTXVN/Tin tức