Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày hôm nay (29/1) sẽ nhóm họp ở Brussels (Bỉ), để thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine và đối sách với Nga. Sẽ có thêm các biện pháp cấm vận tăng cường của EU nhằm vào Nga được đưa ra tại Hội nghị này. Dự thảo Tuyên bố chung do Cơ quan Ngoại vụ EU (EEAS) soạn thảo nêu rõ: “Xét thấy tình hình ngày một xấu đi, Hội đồng các Ngoại trưởng đồng ý nới rộng các biện pháp hạn chế nhằm vào các tổ chức, cá nhân vì có hành vi đe dọa hay hủy hoại nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Một phiên họp của Hội đồng Ngoại trưởng EU. Ảnh: AFP |
Đáng chú ý, dự thảo khẳng định các lệnh cấm vận chống Nga được EU thông qua hồi tháng 3/2014 sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, đến tháng 9/2015. Việc nới lỏng, dỡ bỏ trừng phạt sẽ chỉ được xem xét nếu như Moskva thể hiện trách nhiệm trong việc thực thi đầy đủ các điều khoản trong Thỏa thuận Misnk.
Tại phiên họp khẩn này, các Ngoại trưởng EU sẽ “đổ tội” cho Nga trong vụ pháo kích tại thành phố Mariupol (Ukraine) làm 30 người thiệt mạng - điều mà Moskva luôn phủ nhận. “Hội đồng Ngoại trưởng EU kịch liệt lên án việc pháo kích bừa bãi vào các khu vực dân cư ở Mariupol… Hội đồng ghi nhận có bằng chứng về việc Nga tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho quân ly khai và vì thế Nga chịu trách nhiệm”, dự thảo tuyên bố chung nêu.
Các Ngoại trưởng EU dự kiến cũng sẽ thông qua biện pháp chống “tuyên truyền” từ phía Nga. Theo đó, Hội đồng Ngoại trưởng sẽ giao cho bà Federica Mogherini Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU trọng trách cải thiện truyền thông chiến lược liên quan đến tin tức về khủng hoảng Ukraine.
Ẩn số Hy LạpMọi tuyên bố, quyết định của các Ngoại trưởng EU đều phải được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận. Trước đây, Áo, Cộng hòa Séc, Cyprus, Hungary, Pháp, Luxembourg, Slovakia và đảng trung tả SPD trong liên minh cầm quyền ở Đức đều không ủng hộ việc gia tăng trừng phạt Nga. Tình hình có sự thay đổi gắn với diễn biến xấu đi ở Ukraine. Mới nhất, hôm 27/1, lãnh đạo EU ra tuyên bố chung đổ lỗi cho Nga trong vụ pháo kích ở Mariupol. Tuyên bố cũng giao các Ngoại trưởng “đánh giá tình hình và xem xét thực hiện bất cứ hành động thích hợp nào, đặc biệt là các biện pháp hạn chế bổ sung”.
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng, một ẩn đã xuất hiện - đó là Hy Lạp. Ngay sau khi đảng cực tả Syriza giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm 25/1, tân Thủ tướng Alexis Tsipras đã gây ra “cú sốc” lớn khi ông nói rằng Athens không hề tán thành Tuyên bố chung của EU nhằm vào Nga. Tờ nhật báo Kathemerini (Hy Lạp) ngày 28/1 dẫn nguồn tin trong chính phủ cho biết, Ngoại trưởng nước này có thể sẽ phủ quyết tuyên bố của Hội đồng Ngoại trưởng EU tại phiên họp ngày hôm nay.
Đây có thể là biến số làm suy yếu sự thống nhất của EU trên mặt trận chống Nga. Trước khi lên nắm quyền, ông Tsipras đã thể hiện sự ủng hộ đối với Moskva. Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 5/2014, chính ông đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp cấm vận của EU, nói rằng đó chẳng khác gì hành động “tự bắn vào chân mình”; tán thành việc Crimea sáp nhập vào Nga và cho rằng chính quyền mới ở Kiev có các nhân vật theo chủ nghĩa phát-xít mới.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao EU bình luận, mũi nhọn chính mà chính phủ Hy Lạp theo đuổi là nhằm gây sức ép để Đức và một số định chế tài chính ở châu Âu xóa bớt các khoản nợ cho Athen. Với việc đề cập đến khả năng phủ quyết các biện pháp cấm vận mới nhằm vào Nga, Tân Thủ tướng Tsipras muốn có thêm bài tẩy trong các cuộc đàm phán xóa, giãn nợ. “Họ đang chơi trò mặc cả khốc liệt. Để xem ai là người chết chìm trước”, quan chức này bình luận.
Hoài Thanh (
Theo Euobserver, UNIAN)