Gây dựng lòng tin cho kinh tế Việt Nam

Với mức tăng trưởng GDP đạt 5,18% và lạm phát ở mức 1,38%, kinh tế Việt Nam 6 tháng qua giữ được mức tăng trưởng ổn định. Chặng đường cuối năm còn không ít chông gai, song điều quan trọng là cần tiếp tục gây dựng lòng tin đối với kinh tế Việt Nam. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với TS Võ Trí Thành (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, xung quanh vấn đề này.

 

´Xin ông cho biết một số nét nổi bật của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm?


Những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam bao gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là về kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, lạm phát tương đối thấp, cán cân thanh toán quốc tế ổn định và thặng dư, giá trị đồng nội tệ không có biến động lớn. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ Việt Nam tăng rất mạnh, từ mức tương đối thấp lên mức 35 tỷ USD.

 Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.


Nhóm thứ hai, liên quan đến sản xuất kinh doanh. Có hai biểu hiện thể hiện sự phục hồi rõ nét. Chỉ số đo sản xuất công nghiệp chế biến (PMR) từ tháng 9/2013 đến nay đều trên 50 điểm, thể hiện dấu hiệu tích cực. Khác với năm ngoái, thu ngân sách 6 tháng qua đã đạt được mức cao so với dự toán năm.

 

´Nửa đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 1,38%, thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây và chỉ bằng 1/5 mục tiêu lạm phát của cả năm. Liệu đây có phải tín hiệu tốt đối với nền kinh tế không, thưa ông?


Lạm phát tương đối thấp là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá sự ổn định của kinh tế vĩ mô, bên cạnh một loạt chỉ số khác. Theo một nghĩa nào đó, kéo được lạm phát từ mức 20% xuống mức hiện nay (khoảng 5% tính theo năm) cũng được coi là một thành tích.


Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn về chỉ số này, chúng ta cần phải quan tâm tới hai vấn đề. Thứ nhất, trong những điều kiện bình thường, duy trì được mức lạm phát 5 - 6% trong thời gian dài là một điều rất tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện xử lý câu chuyện bất ổn và kéo nó về ổn định, đòi hỏi phải điều hành làm sao để kinh tế dần trở về ổn định, nhưng chi phí sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế không hạ quá nhanh.


Điều thứ hai tôi muốn đề cập tới là mặc dù lạm phát xuống thấp nhưng kỳ vọng lạm phát hiện nay vẫn ở mức 5 - 6% tính theo năm, chứ không phải là thiểu phát hay giảm phát.

 

´Trước tình hình khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần có những đối sách gì, thưa ông?


Hiện nay, chúng ta phải xử lý rất nhiều vấn đề để đạt được đồng thời mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải dành một nguồn lực không nhỏ để tiếp tục hội nhập và tái cấu trúc nền kinh tế.


Dư địa của chính sách, các chính sách vĩ mô của nước ta hiện chưa đủ để tạo dựng một sự phục hồi mạnh mẽ. Với chính sách tiền tệ, chúng ta đặt ra mục tiêu là tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 12 - 14%, gắn với việc phục hồi và tiếp tục ổn định. Nhưng sau 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng rất thấp.


Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép nâng bội chi ngân sách từ mức kế hoạch 4,8 - 5,3% cho năm nay và cả năm sau, đồng thời đề nghị phát hành thêm 170.000 tỷ đồng (8 tỷ USD) cho đầu tư kết cấu hạ tầng năm nay và hai năm tới. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ.


Ngoài ra, vừa qua, chúng ta đã phải dành một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ ngư dân.


Trong bối cảnh khó khăn như vậy, cùng với câu chuyện nợ công nên dư địa cho chính sách tài khóa là không còn nhiều lắm. Hy vọng là nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định và cố gắng phục hồi ở mức nhất định, nhưng không thể quá vội vã được. Điều quan trọng là chúng ta phải cải cách đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Điều này sẽ giúp lòng tin quay trở lại. Nếu lòng tin quay trở lại sẽ khiến người dân tiêu dùng nhiều hơn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng, tăng trưởng kinh tế và việc làm. Một điểm nữa là cần lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. Đây là nguồn lực rất lớn dù là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước.

´Thưa ông, ông có dự báo như thế nào về triển vọng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2014?


Chính phủ quyết định giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế cơ bản mà Quốc hội đã thông qua với con số tăng trưởng năm nay đạt mục tiêu là 5,8%; lạm phát dưới 7%.

Cho tới nay có thể thấy rõ, với mục tiêu lạm phát, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí lạm phát năm nay có thể kỳ vọng đạt mức 5 - 6%.


Đối với tăng trưởng, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở vào khoảng 5,5%. Còn theo dự báo mới nhất mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra có tính đến các tác động có thể có ở mức độ nào đó trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, mức tăng trưởng sẽ ở khoảng 5,6%.


Tôi cho rằng, việc tăng trưởng đạt được mức nào đó không quan trọng bằng việc chúng ta cần tiếp tục gây dựng lại lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này cần dựa vào sự tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh và quyết liệt hơn tái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta kỳ vọng rất nhiều, kỳ vọng vào những hiệp định lớn như TPP, FTA VN - EU, ASEAN +6... (đều sẽ được ký trong năm nay và năm sau). Tôi tin, đây sẽ là một “cú hích” trong việc tạo dựng lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam và đó mới là điều quyết định quan trọng nhất cho phát triển kinh tế trong năm nay và những năm tới.


Diệu Linh (thực hiện)

Chủ động tự chủ kinh tế
Chủ động tự chủ kinh tế

Những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại mối quan hệ về kinh tế với Trung Quốc. Hiện nay, nền kinh tế chúng ta lệ thuộc lớn vào Trung Quốc khi nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 23,7 tỷ USD năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN