Đức và Mỹ sắp quyết định gửi thêm hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine

Theo hãng tin Reuters, Berlin và Washington sẽ sớm quyết định việc gửi thêm 2 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong bối cảnh Kiev đang hứng chịu các đợt không kích với số lượng lớn thiết bị không người lái (UAV) từ Nga kể từ đầu chiến sự.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở thủ đô Berlin. Ảnh tư liệu: Getty Images/ TTXVN

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth tại Washington ngày 14/7.

Đến nay, Đức đã viện trợ 3 hệ thống Patriot cho Ukraine, giữ lại 9 hệ thống cho hoạt động phòng thủ trong nước - giảm mạnh so với con số 36 hệ thống mà nước này từng sở hữu trong thời Chiến tranh Lạnh. Theo ông Pistorius, nếu đạt được thỏa thuận, đơn vị Patriot đầu tiên có thể được chuyển giao cho Ukraine trong vài tháng tới. Ông từ chối bình luận về khả năng cung cấp thêm vũ khí tấn công cho Kiev.

Phát biểu tại Washington, ông Pistorius cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở cấp độ làm việc để hoàn thiện các chi tiết, bao gồm số lượng bệ phóng và tên lửa được đưa vào thỏa thuận.

Việc Đức chủ động đẩy nhanh hỗ trợ phòng không cho Ukraine phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Berlin trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau nhiều thập kỷ duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức thấp. Trong bối cảnh châu Âu lo ngại nguy cơ Nga có thể mở rộng xung đột, Đức đã nới quy định trần nợ trong Hiến pháp, đặt mục tiêu chi tiêu quốc phòng bằng 3,5% tổng thu nhập quốc dân (GDP) vào năm 2029, tương đương mức 162 tỷ euro (189 tỷ USD), tăng mạnh so với 95 tỷ euro dự thảo ngân sách 2025.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 14/7, Tổng thống Trump cũng đã cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận hôm nay: chúng tôi sẽ gửi cho họ (Ukraine) vũ khí, và họ (châu Âu) sẽ chi trả. Mỹ sẽ không thanh toán bất kỳ khoản nào. Chúng tôi sẽ không mua, nhưng chúng tôi sẽ sản xuất, và họ (châu Âu) sẽ trả tiền cho số đó”.

Khi được hỏi rằng khi nào số vũ khí đó, bao gồm cả hệ thống Patriot, sẽ đến Ukraine, Tổng thống Trump trả lời rằng: “Chúng tôi sẽ có một số (vũ khí) được chuyển đến rất sớm, chỉ trong vài ngày tới” và cho biết thêm là các quốc gia châu Âu hiện đang sở hữu hệ thống Patriot sẽ chuyển giao chúng cho Ukraine.

Đức muốn mua bệ phóng tên lửa Typhon của Mỹ

Trong cuộc gặp tại Washington, ông Pistorius cũng cho biết Đức đã gửi thư yêu cầu Mỹ bán các bệ phóng tên lửa Typhon. Ông mô tả hệ thống này như một giải pháp tạm thời tiềm năng trong khi các đối tác châu Âu đang nỗ lực phát triển vũ khí tầm xa trên bộ của riêng mình.

"Cùng với Anh và các đối tác khác, chúng tôi đang phát triển các hệ thống tầm xa trên bộ, nhưng việc này sẽ mất từ 7 đến 10 năm. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần một giải pháp tạm thời", ông Pistorius nói với các phóng viên.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, hệ thống Typhon có khả năng phóng tên lửa với tầm bắn 2.000 km, được kỳ vọng lấp khoảng trống trước khi Mỹ triển khai các tên lửa tầm xa tới Đức (dự kiến kể từ năm 2026), cũng như trước khi vũ khí tầm xa do châu Âu tự sản xuất có thể sẵn sàng khai hỏa chính thức.

Tuy nhiên, Berlin vẫn chờ Mỹ xác nhận việc triển khai các tên lửa tầm xa tới Đức từ năm 2026, vốn được thống nhất dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Ông Pistorius bày tỏ tin tưởng thỏa thuận vẫn còn hiệu lực nhưng cho biết Washington hiện đang rà soát kế hoạch này.

Việc triển khai này bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.800 km và vũ khí siêu vượt âm đang được phát triển Dark Eagle tầm bắn khoảng 3.000 km. Nga coi kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa trên đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đồng thời bác bỏ lo ngại của NATO rằng nước này có dự định tấn công một thành viên liên minh của khối quân sự này.

Mỹ cân nhắc việc rút quân khỏi châu Âu

Một chủ đề quan trọng khác trong cuộc gặp tại Washington là việc Mỹ đang đánh giá lại việc bố trí lực lượng của nước này trên toàn cầu. Điều này có thể dẫn việc Mỹ cân nhắc khả năng cắt giảm quân số tại châu Âu – nơi hiện có khoảng 80.000 binh sĩ Mỹ đồn trú, trong đó khoảng 40.000 tại Đức.

Các đồng minh châu Âu đã kêu gọi Washington cần phối hợp chặt chẽ nếu thực hiện bất kỳ đợt rút quân nào, tránh tạo ra khoảng trống năng lực có thể khiến NATO dễ bị tổn thương trước các động thái từ phía Nga.

Ông Pistorius cho biết Bộ trưởng Hegseth đã đồng ý sẽ đảm bảo cách tiếp cận phối hợp và minh bạch nếu Mỹ thực sự tiến hành rút lực lượng khỏi châu Âu.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Đằng sau kế hoạch cải tổ nội các lớn của Tổng thống Ukraine
Đằng sau kế hoạch cải tổ nội các lớn của Tổng thống Ukraine

Tổng thống Ukraine phát tín hiệu cải tổ nội các quy mô lớn, trong đó đề xuất thay thế người đứng đầu chính phủ và đại sứ tại Mỹ. Trong khi Phó Thủ tướng Svyrydenko được đề cử làm người đứng đầu chỉnh phủ để củng cố nền kinh tế, Bộ trưởng Quốc phòng Umerov được cân nhắc vào vị trí đại sứ tại Mỹ để củng cố viện trợ quân sự từ Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN