Cyprus gồng mình trước giờ “G”

Trong bối cảnh đàm phán với Nga thất bại, Cộng hòa Cyprus  (Síp) đang gồng mình đối mặt với nguy cơ sụp đổ về tài chính và có khả năng phải rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu quốc hội không thể thông qua kế hoạch huy động tiền đối ứng vào hạn chót là ngày 25/3.

 

Căng như dây đàn


Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris ngày 22/3 đã ra về “tay không” sau hai ngày thảo luận tại Mátxcơva để tìm sự hỗ trợ để có thể huy động 5,8 tỷ euro - điều kiện để nước này được nhận 10 tỷ euro cứu trợ của “Bộ ba” chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


 

Biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tổng thể hệ thống ngân hàng tại thủ đô Nicôxia, Cyprus ngày 22/3/2013.

Kế hoạch của Cyprus hiện nay là quốc hữu hóa các quỹ lương hưu nhà nước và phát hành trái phiếu khẩn cấp, áp đặt các quy định đánh thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng (thay đổi mức đánh thuế khởi điểm từ 20.000 euro lên 100.000 euro). Ngoài ra, Cyprus cũng đã công bố kế hoạch cải cách tổng thể hệ thống ngân hàng và đang nghiên cứu việc thành lập một "quỹ đoàn kết quốc gia". Tuy nhiên, các dự luật này còn phải chờ quốc hội thảo luận và thông qua.


Hãng tin AFP cho biết quốc hội Cyprus đã trì hoãn cuộc họp khẩn lúc 8 giờ (15 giờ theo giờ VN) ngày 22/3 tới buổi chiều cùng ngày (theo giờ địa phương) vì Ủy ban Tài chính Quốc hội cần thêm thời gian xem xét các dự luật này. Trước cảnh báo của Đức rằng sự kiên nhẫn của các thành viên EU không phải là vô hạn, chính phủ Cyprus lúc 17 giờ (giờ VN) tuyên bố nước này đang phải “đàm phán khó khăn” với các chủ nợ và vài tiếng nữa sẽ đưa ra quyết định lớn đối với thế tiến thoái lưỡng nan này.

 

Viễn cảnh nào cho Síp?


Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận với giới chức Cyprus một đề xuất mới, hy vọng có nhiều điểm thuận lợi hơn để nước này có thể sớm thông qua - động thái được coi là “chìa cành ôliu” tránh nguy cơ sụp đổ của quốc gia này. Ngoài ra, Nga cũng tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng trợ giúp với điều kiện EU và Cyprus phải đưa ra được kế hoạch cuối cùng.


Trường hợp xấu nhất là thỏa thuận cứu trợ không được thông qua thì Cyprus chắc chắn sẽ phải tuyên bố tự vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của nước này sẽ sụp đổ. Chính phủ Cyprus không đủ khả năng cứu trợ ngành ngân hàng và hiện các nhà đầu tư đang từ chối cho vay tiền, nên không có gói cứu trợ, Cyprus sẽ không thể trả được nợ.
Tổng thống Cyprus Anastasiades nói rằng nước này sẽ buộc phải rút khỏi Eurozone, dù không có một cơ chế chính thức nào cho việc rời khỏi khối đồng tiền chung này. Hiện chưa rõ về tác động của việc Cyprus vỡ nợ đối với Eurozone song các nhà đầu tư cho rằng quy mô tương đối nhỏ của nền kinh tế Cyprus đồng nghĩa với việc nguy cơ “sụp đổ liên hoàn” tương đối thấp.


L.D (Tổng hợp)

Điều gì xảy ra nếu Cyprus sụp đổ?
Điều gì xảy ra nếu Cyprus sụp đổ?

Điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng tại Cộng hòa Cyprus (Síp) sụp đổ, chính phủ tan rã và nước này rời bỏ Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN